Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung:

Tạo chuyển biến mới

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:23 - Chia sẻ
2019 là năm bản lề triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và hướng tới Đại hội XIII của Đảng. “Toàn ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ tập trung sáng tạo, bứt phá, tạo chuyển biến mới”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ĐÀO NGỌC DUNG chia sẻ. Theo đó, bên cạnh việc tập trung cao độ hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ quyết liệt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

“Không quyết liệt, không giải quyết được!”

- Khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (năm 2016), ông nói mình “không ngại khó khăn và không đi theo lối mòn”. Tinh thần ấy được thể hiện như thế nào trong việc thực hiện chính sách người có công?

- Đúng là lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành lao động, thương binh và xã hội rất rộng, nhiều mảng rất nhạy cảm và phức tạp. Vì vậy, trong chỉ đạo vừa phải bảo đảm bao quát, toàn diện; đồng thời, phải lựa chọn cân nhắc những nội dung đột phá và đổi mới - thực hiện chính sách ưu đãi người có công là một trong các khâu đó. Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Tuy nhiên,  bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cần phải nỗ lực rất nhiều mới đền đáp phần nào sự hy sinh của đồng bào cả nước trong các cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Để thực hiện công việc này, đi đôi với việc triển khai thực hiện nghiêm minh, đúng, đủ, kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với các đối tượng người có công, toàn ngành tìm tòi, đề xuất triển khai các quyết sách đột phá, sáng tạo cùng với cách làm quyết liệt để giải quyết vấn đề khó khăn nhất, phức tạp nhất - đó là hồ sơ tồn đọng người có công. Với hướng đi này, trong 2 năm 2017 - 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã xem xét, rà soát gần 6.000 hồ sơ tồn đọng, qua đó xác nhận gần 2.000 liệt sĩ, phần lớn hy sinh trong thời kỳ chống Pháp, có người đã hy sinh 70, 80 năm; xác nhận trên 2.800 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh… Mặc dù gian khổ, khó khăn song tất cả đều làm một cách thận trọng, công khai, minh bạch, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm 2018, Bộ đã triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; cung cấp thông tin của 846.700 mộ liệt sĩ từ hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ toàn quốc, đạt trên 96% tổng số mộ liệt sĩ được chụp trên nền tảng công nghệ 3D. Qua hơn 5 tháng Cổng thông tin điện tử đi vào hoạt động, tính trung bình số lượng truy cập là 200.000 lượt/ngày, trong đó số lượt truy cập đồng thời cùng một thời điểm lên đến 15.000 lượt. Tôi được biết, qua Cổng thông tin điện tử, đã có vài chục gia đình tìm được người thân đang nằm ở các nghĩa trang - đó là niềm hạnh phúc của chúng tôi!

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường, xã hội

- Ngành lao động, thương binh và xã hội chọn giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là khâu đột phá của toàn ngành năm 2018. Điều này tác động thế nào đến chất lượng nguồn nhân lực nước ta?

Ba năm liên tiếp (2016 - 2018), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đều hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Ba chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao cho ngành (giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo) hàng năm đều đạt, vượt kế hoạch.

- Từ đầu năm 2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định phải tạo được sự chuyển biến tích cực, thực sự về chất lượng GDNN. Đến năm 2018, tôi và Ban cán sự Đảng quyết định chọn đây là năm đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ về GDNN. Đầu tiên là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GDNN; bảo đảm tính đầy đủ, đồng bộ, thống nhất công khai, minh bạch. Sau 2 năm, Bộ đã tham mưu ban hành và ban hành khối lượng “khổng lồ” các văn bản hướng dẫn thi hành với 46 văn bản.

Tiếp sau đó, triển khai rà soát, sắp xếp tinh gọn các cơ sở GDNN, giảm 329 trung tâm cấp huyện, 36 trường trung cấp; nâng cao chất lượng tuyển sinh, đội ngũ giáo viên, giáo trình giảng dạy. Tăng cường gắn kết cung - cầu, dự báo nhu cầu thị trường việc làm, tăng thực hành cho người học. Ký kết hợp tác với các công ty, doanh nghiệp đào tạo có địa chỉ, theo đặt hàng. Từng bước thay đổi tư duy xã hội, thay vì việc chỉ hướng con em vào đại học, sang chọn học nghề để có việc làm, có thu nhập cao.


Ngày càng có nhiều người lựa chọn học nghề

Nhìn lại 2 năm 2017 - 2018, có thể khẳng định GDNN đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều nội dung ngành nghề dần tiếp cận với trình độ của khu vực và thế giới. Chất lượng, kỹ năng của bộ phận nhân lực qua đào tạo nghề đã bắt kịp với thị trường lao động và tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp. Thước đo hiệu quả, chất lượng của sự chuyển biến, đó chính là tỷ lệ người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90%, với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Một bộ phận lao động có kỹ năng, tay nghề cao thu nhập có thể đạt 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, để có thể đáp ứng nguồn nhân lực trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tôi cho rằng cần phải tiếp tục nỗ lực, đổi mới mạnh mẽ hơn nữa…

Đổi mới, sáng tạo, bứt phá hoàn thành nhiệm vụ

- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có kế hoạch đề xuất, kiến nghị, sửa đổi bổ sung các chính sách liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm,  như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền phê chuẩn 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (gồm Công ước 98, 105 và 87) nhằm thể hiện cam kết lao động của Việt Nam trong các hiệp định thế hệ mới. Song song đó, Bộ cũng phổ biến cam kết lao động trong CPTPP và EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu); sửa đổi Bộ luật Lao động và các luật có liên quan; ban hành các văn bản hướng dẫn đảm bảo sự đồng bộ các luật và tuân thủ các công ước quốc tế.

Tôi cho rằng, việc tham gia CPTPP và EVFTA là cơ hội, nhưng đồng thời là thách thức để Việt Nam hiện đại hóa pháp luật về lao động, nâng chất lượng lao động, tăng năng suất lao động. Các cam kết chính trong CPTPP và EVFTA góp phần duy trì, tăng trưởng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Năm 2019 là năm quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Ông chia sẻ gì về chương trình hành động của ngành trong năm 2019?

- Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Hiệu quả”, năm 2019 toàn ngành lao động, thương binh và xã hội tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt để triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ. Trong đó thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Tập trung cao độ cho việc xây dựng thể chế, xây dựng chiến lược phát triển an sinh xã hội 2021 - 2030 và trình Chính phủ, Quốc hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); thực hiện các nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; phát triển thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh; đổi mới phát triển giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, đặc biệt chú trọng một số vấn đề xã hội bức xúc như xâm hại trẻ em, tệ nạn ma túy... Bộ tập trung, quyết liệt cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Năm 2019 là năm toàn ngành lao động, thương binh và xã hội tập trung sáng tạo, bứt phá, tạo chuyển biến mới, như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

- Xin cảm ơn ông!

Thái Bình thực hiện