Tạo cơ hội nhiều hơn cho phụ nữ dân tộc thiểu số

- Thứ Ba, 13/08/2019, 07:54 - Chia sẻ
Nghèo về kinh tế, ít cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản là những rào cản dẫn tới phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đang bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Tại Hội thảo “Thách thức và giải pháp để phụ nữ DTTS không bị bỏ lại phía sau” ngày 12.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, cần có những chính sách để người dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ, tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên.

Nhiều chính sách chưa quan tâm lồng ghép giới

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, cho biết qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, nhiều kết quả đã được ghi nhận, đặc biệt là công tác thể chế. Hệ thống chính sách, pháp luật về DTTS, miền núi không ngừng được hoàn thiện, triển khai trong thực tiễn tạo ra những thành tựu to lớn làm thay đổi căn bản đời sống của DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng.

Từ khi đổi mới (1986) đến nay, với 118 văn bản chính sách hiện còn hiệu lực cho thấy Nhà nước đã ban hành không ít chính sách hỗ trợ phát triển vùng DTTS, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ. Tuy nhiên, chỉ có 4 chính sách liên quan tới bình đẳng giới (chiếm khoảng 3,4%), gồm 2 chính sách trực tiếp cho phụ nữ DTTS. Điều này cho thấy còn nhiều bất cập trong chính sách thúc đẩy bình đẳng giới vùng DTTS. Trong đó, phải kể tới hệ thống chính sách liên quan tới bình đẳng giới và chính sách đối với đồng bào DTTS hầu như chưa được xây dựng theo quan điểm lồng ghép yếu tố giới và đặc thù DTTS. Điều này dẫn tới tình trạng chính sách bình đẳng giới thì không tính đến đặc thù cho đối tượng là phụ nữ DTTS, còn chính sách cho vùng DTTS lại không tính đến yếu tố giới. Vì vậy, phụ nữ DTTS dường như vẫn nằm ở điểm khuất của góc khuất, ít cơ hội tiếp cận chính sách nói chung. Hơn nữa, các chính sách về vùng DTTS còn mang tính ngắn hạn, thiếu tính chiến lược, manh mún, dàn trải. Quy định rải rác ở nhiều văn bản và ở các cấp độ khác nhau; chồng chéo về nội dung, đối tượng nên khó thực hiện.


Nguồn: ITN

Ngoài ra, còn có bất cập liên quan tới khâu tổ chức thực hiện chính sách. Theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc, 118 chính sách đang có hiệu lực hiện nay do 10 bộ, ngành quản lý, chủ trì chỉ đạo, cùng với đó là những quy định về cơ chế, nguồn lực khác nhau gây nên khó khăn trong tổ chức thực hiện và theo dõi, tổng hợp. Trong công tác quản lý nhà nước, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong triển khai, hướng dẫn thực hiện; việc thực hiện chính sách còn gặp phải những vướng mắc do phân bổ nguồn lực thiếu, dẫn tới tình trạng chính sách khó đi vào thực tế, hiệu quả thấp.

“Việc phụ nữ DTTS vẫn chưa được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển, đồng nghĩa với việc họ vẫn bị tụt hậu trong các ưu tiên phát triển”, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa nói. Bà Hòa cho biết, hiện có tới 26,56% phụ nữ DTTS không biết đọc, biết viết; 7,2% được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Có khoảng 26% phụ nữ DTTS đứng tên sở hữu đất đai và tài sản (phụ nữ Kinh là 56%); có 12 dân tộc tỷ lệ tảo hôn từ 30 - 40%; 25 dân tộc có phụ nữ sinh con tại nhà khoảng 50%, thậm chí có dân tộc đến 90% phụ nữ sinh con tại nhà. Tỷ lệ DTTS tham gia ở các cấp trong tổ chức Đảng, QH, HĐND, chính quyền khá thấp.

Hỗ trợ phụ nữ thay đổi thái độ, nâng cao trình độ

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhận định, cơ hội bình đẳng là rất quan trọng đối với đồng bào DTTS. Do đó, cần phải có những chính sách để người dân vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ tham gia một cách chủ động, được học tập, hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ. Để làm được điều này, việc lồng ghép hệ thống chính sách rất quan trọng. Các cơ quan, ban, ngành và địa phương tiếp tục nghiên cứu những chính sách phát biển bền vững cho vùng đồng bào DTTS, để chính sách trở thành chiến lược lâu dài, bao quát toàn diện, có phạm vi, ưu tiên vấn đề, bố trí nguồn lực, cơ chế điều phối; đánh giá kiểm tra theo dõi điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể.

Hơn nữa, cần áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền của phụ nữ DTTS, các quy định về không phân biệt đối xử đã được quy định trong Hiến pháp và các Công ước quốc tế về quyền con người để thay thế cho các chính sách “ưu tiên” hiện nay. TS. Nguyễn Thị Mai Hoa bổ sung: Phải hỗ trợ phụ nữ DTTS thay đổi thái độ, nâng cao trình độ, từng bước khẳng định vị thế, tăng cường năng lực của phụ nữ DTTS. Để làm được điều đó thì phải nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục, bắt đầu từ ngay bậc mầm non để giáo dục, thay đổi thái độ của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Xây dựng các nhóm nòng cốt ở địa phương để phụ nữ có thể nâng cao năng lực, giúp phụ nữ tự tin, tự chủ và tích cực tham gia đóng góp ý kiến.

Thêm vào đó, các chính sách phải bảo đảm quyền của phụ nữ trên các lĩnh vực việc làm, tạo thu nhập, được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và quyền được bảo đảm an toàn. Xây dựng chính sách phải dựa vào cộng đồng và phát huy thế mạnh của tộc người, tức là xây dựng chính sách dân tộc cần xem xét từ góc độ cộng đồng với sự tham gia của người dân tộc thiểu số, trong đó có phụ nữ. Quá trình xây dựng chính sách, dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số cần được khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tiễn từ cộng đồng, có tham khảo ý kiến của người được hưởng lợi chính sách. Đặc biệt, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới Đặng Thị Hoa, Chính phủ sớm phê duyện xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, xây dựng nhiều dự án thành phần để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện có lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Tuệ Anh