Bình Dương

Tạo điểm nhấn ở ba không gian du lịch

- Thứ Năm, 11/07/2019, 08:24 - Chia sẻ
Sản phẩm không đa dạng, thiếu đặc trưng, thiếu khả năng cạnh tranh... là những hạn chế của du lịch Bình Dương - một trong những tỉnh giàu tiềm năng nhất trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Giải pháp đang được Bình Dương tập trung triển khai là duy trì và ưu tiên phát triển ba không gian du lịch.

Phát triển chưa tương xứng

Bình Dương có tài nguyên du lịch tương đối đa dạng với nhiều địa danh mang đậm nét vùng Ðông Nam Bộ, như: Vườn cây ăn trái đặc sản Lái Thiêu, khu vực núi Cậu - hồ Dầu Tiếng, núi Châu Thới… Toàn tỉnh có 12 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và 44 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh với những địa danh nổi tiếng, như: Nhà tù Phú Lợi, địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Ð, chùa Hội Khánh, chùa Bà Thiên Hậu...; nhiều hồ chứa nước lớn cùng hệ thống sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai, sông Bé bao bọc, hình thành cảnh quan sông nước hữu tình với những miệt vườn cây trái xanh tốt. Cùng với những ưu đãi từ thiên nhiên, Bình Dương còn có nhiều làng nghề truyền thống, như sơn mài, gốm sứ, mây tre đan… cung cấp sản phẩm du lịch cho khắp vùng Đông Nam Bộ.

Mặc dù vậy, theo đánh giá từ các doanh nghiệp lữ hành, du lịch Bình Dương phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Dẫu đã hình thành hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng, với dịch vụ nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch sinh thái; du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan làng nghề; du lịch gắn với di tích lịch sử văn hóa... nhưng các sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, đóng góp của du lịch vào cơ cấu kinh tế của tỉnh còn thấp.

Khảo sát từ các doanh nghiệp lữ hành cho thấy, du khách đến các điểm du lịch tại Bình Dương phần lớn là người trong tỉnh, hoặc khách từ TP Hồ Chí Minh đi trong ngày; khả năng thu hút du khách từ nơi khác, nhất là du khách có khả năng chi tiêu và sử dụng dịch vụ cao cấp rất hạn chế. Đặc biệt, hình ảnh du lịch Bình Dương chưa đến được với khách du lịch miền Bắc, cho thấy giá trị và sức hấp dẫn của điểm đến chưa cao. Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng cho rằng, điểm yếu của du lịch Bình Dương là các điểm đến nhỏ lẻ, phân tán, khiến du khách phải di chuyển nhiều, cho nên hiệu quả kinh doanh du lịch không cao, sức thu hút du khách không lớn.

Trưởng ban Xúc tiến du lịch TP Hồ Chí Minh Trần Tường Huy nhìn nhận, việc Bình Dương phát triển công nghiệp, đô thị với quy hoạch hạ tầng đồng bộ hàng chục năm qua là tiền đề thuận lợi cho du lịch Bình Dương phát triển. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn nghèo nàn, chưa có giá trị đặc trưng nổi trội, chưa thành chuỗi dịch vụ liên hoàn để tạo khả năng cạnh tranh trong việc thu hút du khách đến Bình Dương.

Miệt vườn Lái Thiêu, điểm thu hút khách du lịch ở Bình Dương Nguồn: chugiong.com

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương Nguyễn Thanh Phong cho biết, năm 2018, Bình Dương thu hút 4,75 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 1.360 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành du lịch Bình Dương chỉ đạt 2,07% về số lượng lượt khách và 4,24% về doanh thu du lịch.

Xây dựng sản phẩm chiến lược

Trong định hướng phát triển đến năm 2020, Bình Dương xác định xây dựng ngành du lịch có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, để khắc phục những hạn chế, giúp thúc đẩy du lịch phát triển, tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế ba không gian theo Quy hoạch Phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, không gian phía Nam tập trung phát triển các loại hình du lịch gắn với khu vực ưu tiên là miệt vườn Lái Thiêu và khu vực ven sông Sài Gòn. Không gian phía Tây Bắc tập trung phát triển các loại hình du lịch kết hợp ưu tiên đầu tư khu vực hồ Dầu Tiếng, hồ Cần Nôm, kết nối các điểm tham quan gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và khu du lịch núi Cậu - hồ Dầu Tiếng. Không gian phía Đông dọc theo sông Ðồng Nai và sông Bé, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch sông nước gắn với miệt vườn cây ăn trái ven sông.

Giám đốc Hanoitourist Phùng Quang Thắng gợi ý, từ ba không gian ấy có thể xây dựng được nhiều chương trình, sản phẩm. “Muốn khách ở lại đây nhiều ngày, cần thiết phải xây dựng tuyến liên kết như Bình Dương - TP Hồ Chí Minh; Bình Dương - Đồng Nai; Bình Dương - Tây Ninh, từ đó sẽ đưa ra được nhiều sản phẩm du lịch khác nhau. Ví dụ, để phát triển không gian phía Nam với miệt vườn Lái Thiêu, phải đẩy mạnh các nhãn hiệu đã có từ đặc sản trái cây, nhà vườn, ẩm thực, lễ hội… trên cơ sở đặc trưng của địa phương”.

Theo ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội, do ngay sát TP Hồ Chí Minh nên Bình Dương được hưởng những lợi thế “hữu xạ tự nhiên hương”. Và mặc dù chưa trở thành điểm du lịch chính thức, song Bình Dương phải có kế hoạch, lộ trình. Thực tế, Khu du lịch, văn hóa, thể thao Ðại Nam (TP Thủ Dầu Một) cũng đã được xây dựng thành một quần thể du lịch, văn hóa, thể thao với nhiều loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn, hằng năm đón hơn hai triệu lượt khách, chiếm gần 50% số lượt du khách đến Bình Dương... cho thấy việc kết nối với du lịch TP Hồ Chí Minh được khu du lịch này làm rất tốt. Các không gian du lịch khác có thể học hỏi theo mô hình này. Bình Dương cũng phải thể hiện một cách rõ nét sự gắn kết các không gian du lịch với TP Hồ Chí Minh, để nơi đây trở thành điểm đến thứ hai của du khách khi tới khu vực Đông Nam Bộ.

Hồng Hà