Thực phẩm an toàn

Tạo dựng niềm tin bằng chất lượng, thương hiệu

- Thứ Năm, 04/10/2018, 07:30 - Chia sẻ
Tại một số địa phương, nhiều doanh nghiệp dù sản xuất hàng hóa đạt chuẩn, được cấp giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng sau đó lại không duy trì tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm không ổn định đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng. Song song với việc tăng cường hoạt động quản lý về ATTP của cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư, chủ động gây dựng niềm tin với người tiêu dùng bằng tiêu chuẩn, thương hiệu.

Cơ quan quản lý vào cuộc

Mặc dù thời gian qua, các cấp, ngành có nhiều cố gắng hạn chế tình trạng cắt lát, chồng chéo trong quản lý song tình hình mất ATTP vẫn chưa được khắc phục, phần lớn các cơ sở vi phạm chủ yếu là các lỗi về kinh doanh thực phẩm không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, điều kiện sản xuất chưa bảo đảm tiêu chuẩn ATTP. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dù sản xuất hàng hóa đạt chuẩn, được cấp giấy chứng nhận về ATTP nhưng sau đó lại không duy trì tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đã đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.


Doanh nghiệp cần chủ động xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn 

Trước thực tế đó, không ít địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát về ATTP. Theo Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan, đơn vị này đã và đang tập trung tăng cường kiểm soát hàng hóa nông sản, thực phẩm vào mạng lưới chợ truyền thống, nhất là ba chợ đầu mối trên địa bàn.

Trước tình trạng không đủ nguồn lực để kiểm tra, giám sát thường xuyên, công tác kiểm nghiệm còn hạn chế, thiếu cơ sở để truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Trần Văn Cường cho rằng, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng nguồn lực cho tuyến cơ sở để quản lý, giám sát điều kiện ATTP đối với nhóm cơ sở thực phẩm quy mô nhỏ, lẻ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt cho các cơ quan làm nhiệm vụ quản lý ATTP trong việc sử dụng kinh phí xử lý vi phạm hành chính về ATTP vào nhiệm vụ chuyên môn.

Về vấn đề truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nhiều chuyên gia khẳng định, các địa phương cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Song song với việc loại trừ thực phẩm không bảo đảm an toàn, cần chú trọng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn khắt khe về ATTP bằng các giải pháp như đưa công nghệ cao vào sản xuất, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng.

Doanh nghiệp cần chủ động

 Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa thống nhất, ký kết “Thỏa thuận khung chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm”. Thỏa thuận khung tập trung vào việc tư vấn, huấn luyện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn, xây dựng nhận thức và kiến thức nền về tiêu chuẩn; tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cũng như kết nối, hỗ trợ truyền thông cho nông dân và doanh nghiệp.

Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan nhận định, để gây dựng niềm tin với người tiêu dùng, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần nỗ lực nâng sức cạnh tranh cho thực phẩm an toàn thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp cần nhận thức rằng giấy chứng nhận ATTP chỉ là bước đầu xây dựng niềm tin, còn vấn đề hiện nay người tiêu dùng ngày càng quan tâm là duy trì và bảo đảm chứng nhận tiêu chuẩn đã đạt được của thương hiệu hàng hóa đó.

Đồng tình với quan điểm đó, đại diện Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Châu Ngọc Hạnh cho biết, người tiêu dùng Việt ngày càng có ý thức về sức khỏe và chủ động để bảo đảm sức khỏe. Kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy, có 76% người tham gia khảo sát muốn biết mọi thành phần đang đi vào thức ăn của họ; 89% sẵn sàng trả nhiều hơn cho các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe; 88% đọc nhãn bao bì cẩn thận cho nội dung dinh dưỡng. Thực tế đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải thể hiện sự nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Theo đại diện Công ty Huy Long An, doanh nghiệp cần chú trọng thay đổi hành vi, nắm bắt thông tin thị trường và hoạt động sản xuất hướng đến những tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, sự minh bạch về nguồn gốc thực phẩm sẽ giúp tạo dựng niềm tin ở người tiêu dùng, chứ không cần đến hoạt động quảng bá nào khác.

Công ty CP thực phẩm Lekima (TP Vũng Tàu) là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm sạch, từ đó gây dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng trên thị trường. Đa số các mặt hàng thực phẩm được nuôi trồng tại các nông trại của công ty theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn chân chính, song song với giải pháp quản lý, các địa phương cần có chính sách khuyến khích, ưu tiên những đơn vị sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có giấy phép ATTP cung ứng hàng hóa vào hệ thống trường học, nhà hàng, khách sạn. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tiếp cận đưa hàng hóa có chất lượng đến với người tiêu dùng.

Minh Nhật