Tín dụng chính sách

Tạo hàng triệu việc làm cho người yếu thế

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:23 - Chia sẻ
Bên cạnh việc xây dựng các công trình an sinh, tín dụng chính sách đã tạo công ăn việc làm cho hơn 1,3 triệu lượt lao động; 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động… Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nguồn vốn là một trong các giải pháp cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn việc làm và cuộc sống. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khi đánh giá về sự đóng góp của các chính sách tín dụng ưu đãi trong 5 năm qua.

Chuyển biến toàn diện

Không chỉ mang lại nguồn lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách từng bước thoát khỏi đói nghèo, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện còn củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp người Chăm ở Ninh Thuận bảo tồn, phát triển nghề truyền thống.
Ảnh: Đức Kiên

Đến 30.6.2020, tổng nguồn vốn NHCSXH đạt 226.560 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 12.760 tỷ đồng so với cuối năm 2019 với trên 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ; nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ thấp 0,7%/tổng dư nợ. Vốn tín dụng đã giúp cho trên 1.050 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tạo việc làm cho trên 180 nghìn lao động…

Tại huyện miền núi Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, các chương trình chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp đồng bào có thêm nguồn lực sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống và từng bước thoát nghèo. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn huyện có hơn 9 nghìn hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được vay vốn từ NHCSXH tỉnh Bắc Kạn, với tổng số tiền hơn 341 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 300 tỷ đồng; qua đó, giúp hơn 2.000 hộ thoát nghèo; 179 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 378 lao động được vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 45 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…

Tại huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang cũng vậy, nguồn vốn ưu đãi đã giúp hàng nghìn lao động có việc làm, hàng nghìn hộ gia đình với nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Theo Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Thuận Nguyễn Mạnh Yên, hàng năm, riêng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã giúp địa phương duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 600 lao động, tăng thu nhập và hỗ trợ phát triển kinh tế cho 530 hộ gia đình. Trong những tháng đầu năm 2020, dù ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn vẫn đạt 4,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Riêng nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đã giúp 84 hộ có vốn đầu tư máy móc, cải tạo đồng tôm, chăn nuôi trang trại…

Đặc biệt, từ khi Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực, nguồn vốn cho vay đã tăng nhanh và lao động được vay vốn nhiều hơn. Đến nay, tổng dư nợ của chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt 13 tỷ đồng.

Cần bổ sung vốn cho vay giải quyết việc làm

Hiện nay, mức cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh là từ 50 - 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Người lao động cũng được nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/người. Việc điều chỉnh này đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn đang ngày một tăng cao, khi mà quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở và người lao động đã từng bước chuyển từ hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ sang quy mô lớn; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư dây chuyền sản xuất với khoa học kỹ thuật hiện đại.

Điển hình như cơ sở sản xuất Tấn Phước, ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) nhờ nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH mà ông chủ cơ sở này đã mở rộng đầu tư quy mô sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho 10 lao động, với mức thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Một trường hợp khác là hộ vay Triệu Thị Tá, người dân tộc Dao ở bản Phiêng Khăm, xã Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Chị đã khởi nghiệp, xây dựng thành công thương hiệu miến dong mang tên chính mình với số vốn cho vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn…

Chia sẻ về tín dụng chính sách, nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm, bà chủ cơ sở miến dong Triệu Thị Tá cho biết, trong điều kiện đất nước khó khăn như hiện nay thì mức cho vay giải quyết việc làm hiện hành là phù hợp; chính sách cho vay giải quyết việc làm có nhiều đổi mới, tạo sự thông thoáng; các dự án vay vốn đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn… mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, nguồn vốn dành cho chương trình cho vay giải quyết việc làm không nhiều, trong khi nhu cầu vay phát triển sản xuất kinh doanh của bà con rất lớn.

“Do đó, Chính phủ, NHCSXH cần xem xét, bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho nhiều người nghèo, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu được tiếp cận nguồn vốn này” - chị Triệu Thị Tá đề xuất.

Mong muốn của người phụ nữ dân tộc Dao Triệu Thị Tá cũng là mong muốn của rất nhiều hộ vay. Ở tầm nhìn xa hơn, điều đó cũng được các ĐBQH trong đó có ĐBQH Lê Minh Hoan - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nay là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị lên Quốc hội. Theo ông Lê Minh Hoan, cần cân đối ngân sách, bổ sung cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhằm giải quyết việc làm và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Mặt khác, Chính phủ và các bộ, ngành cần bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để mở rộng đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thoát nghèo bền vững.

Bình Nhi