Dự án Luật Biên phòng Việt Nam

Tạo hành lang pháp lý vững chắc bảo vệ biên giới quốc gia

- Thứ Hai, 17/02/2020, 07:48 - Chia sẻ
Theo ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH ĐẶNG NGỌC NGHĨA, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Xây dựng nền biên phòng toàn dân

- Thưa ông, dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Chín tới đây. Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết ban hành dự luật này?

- Biên giới quốc gia là “phên dậu” có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Hiện nay, nước ta có đường biên giới đất liền khoảng hơn 4.000km; bờ biển dài 3.260km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia, gồm: 239 huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh với 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới. Biên giới đất liền Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia và tuyến biển, đảo; vùng biển Việt Nam rộng trên 1 triệu km2  (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%). Xét về tình hình an ninh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác vẫn là xu thế phát triển chung. Tuy nhiên, tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực luôn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Chủ quyền quốc gia, lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai, bạo loạn, can thiệp lật đổ, khủng bố, chiến tranh mạng, tranh chấp chủ quyền trên biển… tiếp tục diễn biến phức tạp. Vì vậy, việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong tổng thể nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

- Trước đó, chúng ta đã có Pháp lệnh Bộ đội biên phòng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa IX thông qua ngày 28.3.1997. Hơn 20 năm thi hành Pháp lệnh có gặp vướng mắc gì không, thưa ông?

- Hơn 20 năm thi hành, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng đã cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội biên phòng nói riêng và trở thành cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng bộ đội biên phòng chính quy, từng bước hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, Pháp lệnh Bộ đội biên phòng chưa thể chế đầy đủ chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Với việc xây dựng Luật Biên phòng Việt Nam, chúng ta đặc biệt chú trọng cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia…; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước”.

Mặt khác, quá trình bảo vệ biên giới quốc gia liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn. Thủ đoạn của các loại tội phạm lại ngày càng tinh vi, tính chất đấu tranh bảo vệ biên giới ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến các quyền con người, quyền công dân. Trong khi đó, quyền con người, quyền công dân chỉ được giới hạn bằng pháp luật, còn ở tầm pháp lệnh không đáp ứng được yêu cầu, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để bộ đội biên phòng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ phù hợp với xu hướng hiện nay.

Đầu tư trang thiết bị hiện đại

- Vậy những điểm cốt lõi của dự án Luật Biên phòng Việt Nam là gì, thưa ông?

- Dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ xác định rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng biên phòng với tư cách là lực lượng chủ trì, phối hợp với lực lượng công an và các cơ quan trong hệ thống chính trị để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tuyến biên giới. Lực lượng biên phòng làm nhiệm vụ kiểm soát hàng hóa xuất, nhập cảnh qua biên giới; khi có dấu hiệu tội phạm như tội phạm buôn người, buôn lậu.. biên phòng phải là lực lượng kiểm soát, khống chế các nhóm buôn lậu ở các cửa khẩu. Cùng với đó, dự án Luật cũng chú trọng sửa đổi các chế độ, chính sách cho lực lượng biên phòng; xây dựng hệ thống tổ chức bộ đội biên phòng ổn định, đầu tư trang thiết bị hiện đại, mở rộng đối ngoại biên phòng.

- Tiếp nối nhiều đạo luật có liên quan đến quốc phòng an ninh đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước, với dự luật Biên phòng Việt Nam lần này chắc chắn sẽ tăng cường tiềm lực an ninh, quốc phòng cho nước ta, thưa ông?

- Đúng vậy. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc phòng năm 2018, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thông qua Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam… Đây đều là những luật quan trọng nhằm bảo đảm tiềm lực an ninh - quốc phòng trong tình hình mới và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Thực tế, tất cả các hoạt động kinh tế, quốc phòng, an ninh đều phải quản lý bằng luật, như vậy mới bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng và quyền con người.

Tôi kỳ vọng, với việc trình Quốc hội xem xét ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, chúng ta sẽ khắc phục được những bất cập của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng; đồng thời, củng cố thêm vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động và tổ chức của bộ đội biên phòng; phát triển bổ sung các quy định mới về biên phòng. Đồng thời, cùng với các Luật đã được thông qua như đã nêu ở trên sẽ giúp cho nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc của hai lực lượng nòng cốt là công an, quân đội, tránh trường hợp, những năm qua, nhiều thế lực thù địch đã lợi dụng, tuyên truyền xuyên tạc nhằm làm giảm uy tín của hai lực lượng này.

- Xin cảm ơn ông!

Anh Thảo thực hiện