Tạo kênh thông tin, chia sẻ chính sách về giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Tư, 04/09/2019, 15:45 - Chia sẻ
Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” sẽ diễn ra vào ngày 20.9, tại Khách sạn Mélia, Hà Nội. Gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước đã được gửi đến Ban tổ chức, xoay quanh 3 nội dung trọng tâm: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập tích cực, toàn diện với thế giới. Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục nghề nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp, đặc biệt là những ngành đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng chủ trì buổi gặp mặt báo chí

Trong bối cảnh đó, tiếp nối thành công của Hội thảo Giáo dục 2017 (VEC 2017) “Về chất lượng giáo dục phổ thông” và Hội thảo Giáo dục 2018 (VEC 2018) “Giáo dục đại học - chuẩn hóa và hội nhập quốc tế”, được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 (VEC 2019) chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” vào ngày 20.9, tại Khách sạn Mélia, Hà Nội.

Theo thông tin từ Ban tổ chức tại cuộc gặp mặt báo chí sáng 4.9, Hội thảo sẽ có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu, bao gồm: Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, các Đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp, đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng cho biết, mục đích Hội thảo nhằm tạo điều kiện cho các Đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục trao đổi quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất ý tưởng mới nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam; tạo kênh thông tin, chia sẻ chính sách giữa Đại biểu Quốc hội và cộng đồng, một mặt khơi dậy sự quan tâm và trách nhiệm của xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp, mặt khác đưa ý kiến, đề xuất của cộng đồng để giáo dục nghề nghiệp đến gần hơn với các nhà hoạch định chính sách; cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho Ủy ban trong thực hiện chức năng giám sát và kiến nghị Quốc hội quyết định những chính sách tương xứng với vị trí, vai trò của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ Ủy ban xây dựng nguồn dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, giám sát và kiến nghị các chính sách, pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là việc hoàn thiện Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.


Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ, thành viên Ban tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 cho biết, Hội thảo năm nay có nhiều điểm mới so với hai năm trước, trong đó lần đầu tiên Ủy ban phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tổ chức Hội thảo Giáo dục

Hội thảo sẽ được tổ chức trong 1 ngày, theo hình thức tương tác giữa các diễn giả (panelists) và đại biểu tham dự. Hội thảo sẽ có 2 phiên, trong đó Phiên chung gồm Báo cáo đề dẫn của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về khuynh hướng của giáo dục nghề nghiệp trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam; Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội về Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, thực trạng và định hướng phát triển; Phóng sự về thực trạng chất lượng và chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp từ góc nhìn của chuyên gia và xã hội. Phiên chuyên đề gồm các chuyên đề: Thể chế giáo dục nghề nghiệp; Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp; Chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Qua hội thảo, mong muốn “có cơ sở khoa học và thực tiễn góp phần nhìn nhận chất lượng, hiệu quả của hệ thống pháp luật, như công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng như sự tương tác trong đào tạo, sử dụng lao động của cơ sở đào tạo với doanh nghiệp” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.


Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thông tin về tình hình hoạt động giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng như nội dung của Hội thảo Giáo dục 2019

Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo Giáo dục 2019 đã nhận được gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước. Các tham luận bám sát và đề cập ở nhiều góc độ khác nhau xoay quanh 3 nội dung trọng tâm của Hội thảo. Cụ thể: 18 tham luận về thể chế giáo dục nghề nghiệp (chuyên đề 1), 19 tham luận về doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp (chuyên đề 2), 15 tham luận về bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế (chuyên đề 3). Các tham luận chính thức sẽ được phát trong hội thảo và đăng trong kỷ yếu VEC 2019 (dự kiến phát hành vào tháng 12).

Nhật Linh
Ảnh: Duy Thông