Góp ý dự thảo Luật Thư viện

Tạo lập không gian thông tin - thư viện thống nhất

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:25 - Chia sẻ
Luật Thư viện thời đại 4.0 phải thiết lập được hành lang pháp lý khả thi để tạo lập không gian thông tin - thư viện thống nhất trên phạm vi cả nước, có khả năng hội nhập vào không gian thông tin - thư viện chung của khu vực và quốc tế để chia sẻ và dùng chung nguồn lực thông tin... Đó là kỳ vọng của nhiều chuyên gia tại tọa đàm góp ý dự thảo Luật Thư viện do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức sáng 12.7.

Làm rõ xu hướng phát triển thư viện

“Dự thảo Luật không đặt vấn đề xây dựng hệ thống thư viện hay mạng lưới thư viện. Nếu quy hoạch và khẳng định có một hệ thống hay mạng lưới thư viện hợp lý, thống nhất, chặt chẽ thì tốt hơn cho việc đầu tư, phát triển và quản lý. Hiện nay và cả lâu dài, hầu hết thư viện ở nước ta đều là công lập, vì đây không phải lĩnh vực kinh doanh thu lợi nhuận hấp dẫn cho các tổ chức, cá nhân. Nếu không đặt vấn đề quy hoạch thì sẽ dễ bị chồng chéo, tùy hứng, dẫn đến đầu tư cũng như hoạt động kém hiệu quả…”.

PGS.TS. Đoàn Năng, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Khoa học và Công nghệ

Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, ĐBQH, dự thảo Luật Thư viện đã có nhiều chỉnh sửa, bổ sung theo hướng khoa học, logic, hợp lý. Tuy nhiên, các chuyên gia góp ý, dự thảo có nhiều điểm cần tiếp tục chỉnh sửa nhằm tạo hành lang pháp lý, điều tiết các hoạt động, thúc đẩy hệ thống thư viện phát triển.

 Theo TSKH. Nguyễn Thị Đông, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - thư viện, Viện Khoa học thống kê, Tổng cục Thống kê, quan điểm xây dựng Luật Thư viện cần được tiếp cận theo hướng luật hóa cụ thể quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan trong mối quan hệ ba bên: Nhà nước - Thư viện - Người sử dụng thư viện (người dùng tin), giải quyết hài hòa các mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển của thư viện với sự đầu tư của Nhà nước và giữa nhu cầu của người dân với hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện, theo hướng mở rộng quyền tự chủ để thư viện có thể chủ động sáng tạo, tăng cường vai trò xã hội của thư viện, bảo đảm thực thi quyền con người trong tự do tiếp cận thông tin và tri thức.

Bên cạnh đó, thư viện đang chịu tác động rất lớn của công nghệ, dự thảo Luật cần làm rõ xu hướng phát triển trong hoạt động thư viện, như liên kết dữ liệu, hướng tới tất cả phải là dữ liệu quốc gia để mọi người có thể sử dụng. Phiên bản mới cần khôi phục và luật hóa hoạt động liên thông giữa các thư viện công lập với thư viện ngoài công lập, giữa các loại hình thư viện với nhau, giữa các thư viện có cùng chuyên ngành hoặc cùng lĩnh vực, giữa thư viện các trường đại học với thư viện thuộc các viện nghiên cứu, giữa thư viện với các tổ chức, cơ quan liên quan… nhằm hình thành không gian thông tin - thư viện chung và thống nhất trên cả nước.

TS. Đỗ Văn Hùng, Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội nhận định: “Có cảm tưởng dự thảo Luật thiếu quan tâm tới chuyển đổi số và càng thiếu quan tâm tới chuyển đổi số mở. Trong khi đây mới là công việc khổng lồ mà giới thư viện hiện nay cần quan tâm. Nên có một chương riêng cho tài nguyên thông tin mở và/hoặc tài nguyên thông tin số mở”. Đồng thời, bổ sung các nội dung liên quan tới các quy định pháp luật về khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, an ninh mạng, cơ sở vật chất, kỹ thuật thư viện theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế... nhằm bảo đảm tính pháp lý cho xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số.


Thư viện cần được đầu tư dựa trên hiệu quả và chất lượng phục vụ

Đầu tư dựa trên hiệu quả và chất lượng

Việc lựa chọn tiêu chí phân loại thư viện cũng cần tiếp tục nghiên cứu, bởi nó liên quan tới việc xác định rõ ràng và cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện, bảo đảm việc tổ chức hoạt động của từng loại hình thư viện sẽ không bị chồng chéo, giẫm chân nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật không nên phân loại thư viện theo hình thức sở hữu, điều này chỉ phục vụ quản lý hành chính; nên chọn tiêu chí phân loại thư viện vừa bảo đảm tính khoa học, phổ dụng, vừa bảo đảm tính pháp lý cho quản lý, đồng thời thống nhất tên gọi cũng như quy định về các thư viện thuộc nội hàm của một loại hình xác định. Trên bình diện quốc tế, việc phân loại thư viện thường dựa vào mục đích, chức năng và nhiệm vụ mà không dựa vào chủ thể đầu tư. Từ đó, có thể phân ra các loại hình: Thư viện Quốc gia, Thư viện công cộng, Thư viện chuyên ngành, Thư viện đại học, Thư viện trường học, Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và Thư viện có yếu tố nước ngoài. Trong phân loại thư viện, Điều 13, dự thảo Luật: Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, TS. Nguyễn Huy Chương, nguyên Giám đốc Thư viện ĐHQG Hà Nội cho rằng, thư viện cộng đồng nằm trong hệ thống thư viện công cộng, cần sự hỗ trợ của thư viện cấp trên, vừa chỉ đạo nghiệp vụ, luân chuyển cho mượn sách. Nếu đưa thư viện cộng đồng là một loại hình riêng thì chưa hợp lý, khó khăn cho quản lý...

Trên cơ sở hệ thống thư viện thống nhất với các loại hình được phân định, dự thảo Luật cần có các điều khoản cụ thể về chính sách nhà nước theo các mức độ ưu tiên và trọng điểm đối với việc xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện, không thể chỉ là mạng lưới thư viện công cộng, mà gồm cả các thư viện chuyên ngành, thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật và hạ tầng công nghệ thông tin. Phát triển tài nguyên thông tin (trong đó gồm chính sách về liên thông thư viện, tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học). Phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin - thư viện hiện đại...

TSKH. Nguyễn Thị Đông nhận định: Việc đầu tư phát triển mạng lưới thư viện Việt Nam không thể phụ thuộc vào hình thái vật lý của thư viện đó to hay nhỏ, vốn tài liệu nhiều hay ít, mà là giá trị thư viện đó mang lại đối với sự phát triển của xã hội, hiệu quả và chất lượng phục vụ nhu cầu thông tin. 

Ngọc Phương