Góp ý xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi)

Tạo môi trường cho thanh niên cống hiến

- Thứ Ba, 20/08/2019, 08:21 - Chia sẻ
Trong giai đoạn mới, cần tạo môi trường thuận lợi cho thanh niên cống hiến và trưởng thành. Do đó, Luật Thanh niên (sửa đổi) phải có hệ thống chính sách bồi dưỡng và phát huy vai trò to lớn của thanh niên…

Thiếu đồng bộ, khó áp dung

Tại Hội nghị “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 19.8, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão nhận xét: Một số quy định của Luật Thanh niên (2005) chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và khó áp dụng. Nguồn lực đầu tư cho thanh niên so với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương chưa tương xứng và hiệu quả thấp. Thiếu cơ chế điều phối trong thực hiện chính sách quy định trong Luật, chưa có sự gắn kết hữu cơ giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách. Cơ chế tạo điều kiện khuyến khích và bảo đảm sự tham gia của thanh niên trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên còn nhiều hạn chế... Do đó, việc sửa đổi Luật là cần thiết.


Luật Thanh niên (sửa đổi) cần đáp ứng nhu cầu phát triển của thanh niên Nguồn: ITN

Một số ý kiến cho rằng tuổi thanh niên nên quy định là từ 16 - 35 tuổi, thay vì từ đủ 16 - 30 tuổi như dự thảo Luật. Theo GS. TS. Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Muốn xây dựng được Luật Thanh niên thì phải xác định rõ thanh niên là ai? Nghiên cứu các trường phái, quy định của nhiều quốc gia, tôi thấy ở Việt Nam và trên thế giới chưa thống nhất quan niệm về độ tuổi cũng như khái niệm thanh niên với ý nghĩa là một nhóm hay một lực lượng xã hội đặc thù. Tuy nhiên, nên xác định tuổi thanh niên từ 15 tuổi đến tròn 24 tuổi cho phù hợp với điều kiện thực tế ở nước ta, cũng như thông lệ được Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới chấp nhận.

Theo Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương Nguyễn Thanh Hảo, một số quy định thuộc trách nhiệm của các bộ quy định trong Luật Thanh niên chưa có hướng dẫn cụ thể, như việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội, trong hôn nhân và gia đình; hoặc chậm hướng dẫn, như chính sách đối với thanh niên xung phong ban hành năm 2011, sau 5 năm thực hiện Luật, chính sách đối với thanh niên tình nguyện ban hành năm 2015, sau 9 năm thực hiện Luật; việc xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành thì sau 12 năm mới sửa đổi, bổ sung. Chưa có chính sách đối với một số đối tượng thanh niên đặc thù, như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cải tạo, sau cai nghiện; một số lĩnh vực cụ thể đối với thanh niên mặc dù đã ban hành chính sách nhưng còn ít và hiệu quả chưa cao.

Một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác thanh niên chậm được tháo gỡ, trong đó có cơ chế phối hợp quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong cả nước vẫn chưa được xác lập (chưa xây dựng cơ chế để thực hiện). Bộ máy quản lý nhà nước về công tác thanh niên thiếu tính ổn định, từ cấp Sở Nội vụ trở xuống là kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao…

Xây dựng cơ chế thực thi

Trên cơ sở bài học kinh nghiệm từ pháp luật về thanh niên của một số quốc gia, ThS. Nguyễn Tuấn Dũng, Viện Nghiên cứu thanh niên cho rằng, Ban soạn thảo có thể cân nhắc áp dụng vào Luật Thanh niên (sửa đổi): Thứ nhất, xây dựng Luật theo hướng tiếp cận phát triển thanh niên. Kinh nghiệm các nước cho thấy, Luật Thanh niên (sửa đổi) không chỉ đơn thuần là tuyên ngôn về quyền và nghĩa vụ của thanh niên, mà còn quy định thêm một bước là khung pháp lý cho toàn bộ công tác thanh niên với mục tiêu phát triển, bảo vệ thanh niên được thể hiện một cách rõ nét qua những quy định về mục đích của luật. Thứ hai, quy định khái quát vấn đề quyền và nghĩa vụ của thanh niên, tập trung vào trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm quyền cho thanh niên và thực hiện chính sách thanh niên. Cần xây dựng một cơ chế thực thi cụ thể trong Luật theo hướng xác định rõ thiết chế, nguồn lực và các biện pháp bảo đảm thực hiện…

Hầu hết chính sách mà Nhà nước dành cho thanh niên đã được quy định tại các văn bản chuyên ngành như: Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động; Luật Việc làm; Luật Khám, chữa bệnh… Theo TS. Đỗ Ngọc Hà, Viện Nghiên cứu thanh niên, cách quy định về chính sách đối với thanh niên như trong dự thảo Luật hiện nay sẽ có những hạn chế là một số chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên đã được các luật chuyên ngành khác quy định. Vì vậy, Ban soạn thảo có thể cân nhắc quy định các nhóm chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên theo các hướng như: Nguyên tắc của chính sách hoặc thực hiện chính sách; bảo đảm sự hỗ trợ thanh niên tiếp cận chính sách; đề xuất các chính sách cụ thể, chính sách cho từng đối tượng thanh niên mà các luật khác chưa quy định... Kinh nghiệm từ việc xây dựng chính sách, pháp luật về thanh niên của các quốc gia cho thấy, các chính sách dành cho thanh niên được phân chia thành 5 trụ cột tương ứng với 5 chỉ số đánh giá sự phát triển thanh niên bao gồm: (1) Giáo dục; (2) Việc làm và cơ hội; (3) Sức khỏe; (4) Sự tham gia đời sống chính trị và (5) Sự tham gia đời sống xã hội.

TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Nghiên cứu thanh niên góp ý thêm: Dự thảo Luật cần sửa đổi các quy định về chính sách với thanh niên đáp ứng các yêu cầu: Bảo đảm không trùng lắp, chồng chéo với các chính sách đã được quy định trong các luật, bộ luật khác; bảo đảm tính đặc thù, dành riêng cho thanh niên, đáp ứng nhu cầu phát triển của thanh niên hiện nay; bảo đảm tính khả thi, cụ thể để có thể đưa vào cuộc sống.

Ngọc Phương