Hướng tới tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

Tạo nền tảng vững chắc

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Sau gần 10 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy (giai đoạn 2011 - 2020), đến nay Hà Nội đã có 6 huyện đạt chuẩn NTM; 325 xã đạt NTM, chiếm 84,2%, vượt kế hoạch 2 năm so với mục tiêu của Chương trình. Toàn thành phố đã đạt và cơ bản đạt bình quân 18,64 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Đó là nền tảng vững chắc để Hà Nội tiếp tục chặng đường xây dựng NTM nâng cao.

Hạ tầng đồng bộ, môi trường trong lành

Hơn 8.600km đường giao thông nông thôn và gần 1.470 trường học được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp; hàng nghìn nhà văn hóa, trung tâm thể thao được đầu tư khang trang; các công trình nước sạch, lưới điện, chợ nông thôn nay đã đồng bộ... tất cả như khoác lên “chiếc áo mới” cho vùng nông thôn của Thủ đô thêm sáng - xanh - sạch - đẹp. Nhiều khu dân cư, xóm làng trở thành những miền quê đáng sống để những người đi xa ai cũng muốn trở về.

Về xã Tiến Xuân và Yên Bình, Yên Trung - 3 xã miền núi xa và khó khăn nhất của huyện Thạch Thất. Cảnh đường sá lầy lội, bụi bặm, ổ voi, ổ gà... chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những cung đường được rải nhựa phẳng lì, rộng rãi. Ông Đào Xuân Hùng (thôn Dân Lập, xã Yên Bình) phấn khởi: “Thực hiện chương trình xây dựng NTM, giao thông và hệ thống hạ tầng sản xuất được đầu tư nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình trong thôn làm ăn kinh tế thuận tiện hơn, đời sống ngày một nâng cao”. Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần, đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng của xã cơ bản đã được nâng cấp, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, trụ sở UBND xã đã được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp với tổng mức kinh phí đầu tư trên 200 tỷ đồng. Từ chỗ chỉ đạt 7/19 tiêu chí khi bắt đầu triển khai thực hiện, năm 2015 đạt xã NTM và hiện đang phấn đấu đạt xã NTM nâng cao vào năm 2020.

Sự đổi thay ấy cũng đã và đang hiển hiện trên miền quê vùng xa trung tâm Hà Nội, điển hình là huyện Quốc Oai. Theo Chủ tịch UBND huyện Đỗ Huy Chiến, năm 2010, khi bắt tay xây dựng NTM, Quốc Oai có xuất phát tương đối thấp với 4 xã đạt 9 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 4 - 6 tiêu chí. Đến nay, kết cấu hạ tầng trên địa bàn đã được đầu tư bài bản, đồng bộ. Sau 10 năm, huyện đã nâng cấp, cải tạo được gần 800km đường giao thông nông thôn; 73,9% trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia; 100% số thôn có điểm sinh hoạt văn hóa; 82% số hộ dân được sử dụng nước sạch. Diện mạo nông thôn đã có thay đổi đáng kể, huyện đã được Thủ tướng Chính Phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào ngày 17.9 vừa qua.

Trong số những huyện ngoại thành của Hà Nội, Đan Phượng vinh dự được là “cánh chim đầu đàn” khi trở thành huyện đầu tiên đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Đặt chân đến địa phương này, điều khiến mỗi người ấn tượng không chỉ là hạ tầng khang trang mà còn là môi trường sống sáng - xanh - sạch - đẹp với những bức tường bích họa đầy màu sắc; những hàng cây xanh và hoa được cắt tỉa gọn gàng; những ngôi nhà được gắn biển số rõ ràng chẳng kém gì các tuyến đô thị... Diện mạo của một vùng nông thôn ven đô hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của làng quê Việt Nam. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tất Thắng tự hào chia sẻ: “Đến nay, huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung. Đây cũng là 3 xã NTM nâng cao đầu tiên của Hà Nội. Phát huy thành quả đã đạt được, huyện sẽ tiếp tục nỗ lực để vùng nông thôn ngày càng hiện đại”.

Còn nhớ, ngày đầu bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM, xã nào các tiêu chí đạt cũng rất thấp, đặc biệt là nhóm tiêu chí về hạ tầng, có những xã “chưa có gì”. Thế nhưng, đến nay, đã có 379/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông, 384/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thủy lợi, 373/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa... Có thể khẳng định, NTM đã tạo ra bước ngoặt lớn để các huyện ngoại thành tự tin hơn trong bước phát triển không ngừng của Thủ đô.


Những bức tranh bích họa đã làm cho làng quê vùng ngoại thành Hà Nội thêm tươi mới

Hiện đại hóa nền nông nghiệp

 Trong gần 10 năm thực hiện, ngân sách thành phố đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tạo động lực để các địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Từ năm 2010 - 2019, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình là 76.451 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách là hơn 14.740 tỷ đồng. Điểm sáng trong xây dựng NTM ở Hà Nội là Chương trình “thành thị đỡ nông thôn”. Theo đó, 12 quận, huyện đã tiến hành hỗ trợ các huyện xây dựng NTM với tổng kinh phí hơn 633 tỷ đồng. 

Với đặc thù khu vực ngoại thành có thế mạnh về nông nghiệp, Hà Nội tập trung thực hiện khâu dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhằm tạo điều kiện để nông dân chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ cao để tăng năng suất, nâng giá trị kinh tế, cải thiện thu nhập. Theo đó, nếu như 10 năm trước, mỗi hộ nông dân có đến dăm bảy thửa ruộng, thậm chí trên 10 thửa ruộng nhỏ lẻ, cây lúa là cây chủ đạo có giá trị kinh tế thấp, thì nay khắp các địa phương của Hà Nội đã có những vùng sản xuất chuyên canh trù phú với nhiều loại cây trái mang lại giá trị kinh tế cao.

Đến nay, thành phố đã DĐĐT được hơn 79.454ha, đạt 104,6% so với kế hoạch. Sau DĐĐT, thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh việc chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác cây, con có giá trị. Nhờ đó, trên địa bàn hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao rộng hàng trăm hécta tại các huyện, như: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai…; các vùng sản xuất rau an toàn ở Gia Lâm, Phúc Thọ, Đông Anh…; vùng trồng cây ăn quả giá trị kinh tế cao tại Hoài Đức, Đan Phượng...; chăn nuôi tập trung xa khu dân cư tại Sơn Tây, Ba Vì, Thanh Trì… và nuôi trồng thủy sản tại Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Bên cạnh đó, trên địa bàn hiện có 133 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay. Trao đổi với phóng viên, Giám đốc Sở NN -PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: “Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi hécta canh tác ở Hà Nội đạt 259 triệu đồng/năm (năm 2010 là 133 triệu đồng/năm). Trong đó, các vùng chuyển đổi cho thu nhập từ 400 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt cho biết: “Từ sau DĐĐT và hình thành HTX, chúng tôi có điều kiện xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ áp dụng công nghệ của Nhật Bản ở Đồng Phú đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cấy lúa thông thường. HTX còn tổ chức cho bà con trồng luân canh cây lúa với đậu tương, đem lại thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng/ha”. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Phú (huyện Ứng Hòa) Đặng Huy Cương thì chia sẻ: “Cánh đồng xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa rộng hàng trăm hécta nay chỉ canh tác một giống lúa duy nhất là J02, thay vì mỗi ruộng một giống như trước đây. Trồng một giống nên có chung quy trình sản xuất. Các khâu làm đất, thủy lợi, chăm sóc, thu hoạch đều đồng bộ; năng suất lúa cao, gạo ngon, bán được giá hơn. Hiện, toàn bộ sản lượng gạo đã được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ ổn định. Thu nhập từ trồng lúa của xã tăng hơn 5 tỷ đồng so với trước kia”.

Có thể thấy, nhờ tập trung phát triển nông nghiệp mà thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Hà Nội hiện đã đạt gần 47 triệu đồng/người/năm (tăng gần 34 triệu đồng so với năm 2010). Người dân không còn phải đi làm ăn xa xứ mà hoàn toàn có thể làm giàu trên chính đồng đất quê hương. 

ĐÀO CẢNH