Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”

Tạo sức bật cho du lịch

- Thứ Hai, 25/05/2020, 08:14 - Chia sẻ
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh, Bộ rất kỳ vọng vào chương trình này bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nếu sớm khôi phục sẽ tạo động lực lan tỏa đến các ngành khác.

Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đặt ra nhiệm vụ chính là đẩy mạnh công quảng bá các điểm đến, xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, dịch vụ du lịch chất lượng thông qua triển khai các gói kích cầu du lịch đa dạng, kèm theo những ưu đãi và cam kết của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch. Theo đó, chương trình sẽ bắt đầu từ ngày 1.6 đến hết tháng 12.2020.

Đồng loạt giảm giá

Các doanh nghiệp đang rất hào hứng với chương trình kích cầu du lịch nội địa. Phó Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vitours Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, ngay trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Vitours đã mở cửa đón khách với tour lân cận nội vùng Đà Nẵng - Huế - Quảng Bình. Mức giá tour hợp lý giúp công ty thu hút được nhiều du khách, đặc biệt là giới trẻ. Từ thực tiễn đó, ông Tùng tin rằng chiến dịch "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" sẽ mở ra cơ hội mới cho thị trường du lịch trong nước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” là một kế hoạch tốt trong thời điểm hiện nay nhằm kích thích thị trường trong nước. Để khôi phục ngành du lịch, cần sự nỗ lực, cố gắng từ Chính phủ cho đến từng địa phương, doanh nghiệp. Hiện, nhiều địa phương đều có chương trình kích cầu và sẽ nhanh chóng triển khai vào cuối tháng 5,  đầu tháng 6 - giai đoạn trọng điểm vì nhu cầu du lịch sẽ tăng cao khi vào hè.

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh vừa cho phép Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (OXALIS) giảm giá bán sản phẩm du lịch "Chinh phục Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới" xuống mức 2.500 USD/khách (giá cũ là 3.000 USD). Số lượng khách tham gia tour cũng được phép tăng từ 10 lên 12 người. Thời hạn áp dụng từ ngày 15.5 - 31.12.2020. Động thái này nhằm thực hiện chương trình kích cầu du lịch. Sở Du lịch Quảng Bình cũng đang chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức mở cửa đón khách và nghiên cứu thêm để chuyển hướng kinh doanh du lịch trong tình hình mới. Về phía doanh nghiệp phải xây dựng chương trình giảm giá, qua đó thiết lập mức giá, sản phẩm phù hợp với khách nội địa để kích cầu.

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cũng thông tin, chính quyền tỉnh đã quyết định giảm 50% phí tham quan các điểm di tích từ ngày 8.5 - 31.7.2020. Tùy thuộc tình hình khôi phục lượng khách, tỉnh sẽ tiếp tục kích cầu bằng việc giảm phí tham quan các điểm di tích trong những tháng còn lại của năm.

Từ ngày 15.5, tỉnh Quảng Ninh cũng miễn phí tham quan một số địa danh du lịch cho tất cả công dân Việt Nam, trong đó có vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, hệ thống xe buýt chất lượng cao sẽ phục vụ miễn phí du khách từ Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn đến Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử, Uông Bí và ngược lại cho đến hết năm 2020.


Ngành du lịch tập trung khai thác thị trường khách nội địa 
Nguồn: ITN

Tạo tiền đề thu hút khách quốc tế

Tổng cục Du lịch cho biết, năm 2019, Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 726 nghìn tỷ đồng. Năm nay, ngành đặt ra mục tiêu đón khoảng hơn 20 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tuy nhiên mục tiêu này khó đạt được do tình hình dịch bệnh, đặc biệt là số khách quốc tế. Vì vậy, đẩy mạnh thị trường trong nước sẽ là “cứu cánh” cho du lịch Việt lúc này. "Các doanh nghiệp cần truyền đi thông điệp “chúng tôi đã sẵn sàng” cả về cơ sở vật chất, con người, các phương án kết nối, nghiên cứu, tiếp cận thị trường, cần xây dựng được những gói sản phẩm mới có điều kiện cam kết ưu đãi sau dịch", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu lưu ý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, mặc dù những năm gần đây Đà Nẵng đón một lượng lớn du khách quốc tế, nhưng thành phố luôn xem khách nội địa là thị trường trọng điểm. Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, hiện đã có 78 doanh nghiệp tham gia và dự kiến con số này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới với phương châm giảm giá nhưng không giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ. “Đà Nẵng đón nhiều chuyến bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, điều này mở ra cơ hội rất lớn trong thời điểm hiện tại. Nhưng để thành công, Đà Nẵng phải thể hiện là điểm đến an toàn để du khách yên tâm lựa chọn”, ông Dũng chia sẻ.

Chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" nếu thành công sẽ tạo tiền đề và động lực cho thị trường khách quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu kỳ vọng. Theo ông Siêu, sau dịch bệnh, yếu tố thu hút khách quốc tế không phải là các chương trình giảm giá mà ở chỗ Việt Nam khẳng định được là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn. "Phải lấy thị trường nội địa làm bài học kinh nghiệm để thu hút những thị trường khác”, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh.

Hạnh Nhung