Phim Việt tại liên hoan phim quốc tế

Tạo tín hiệu tốt rồi “mất hút”

- Thứ Ba, 04/08/2015, 08:02 - Chia sẻ
Với một quốc gia có nền điện ảnh chưa mạnh, để phim đến được với khán giả ngoài nước, cách duy nhất là giành giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế. Hãy tham gia nhiều liên hoan phim nhất có thể! Đó là lời khuyên của một chuyên gia nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều người trong ngành điện ảnh Việt Nam băn khoăn, lấy đâu ra phim hay để tham gia?

Đoàn làm phim Đập cánh giữa không trung tại LHP Venice 2014

Liên hoan phim là công cụ quảng bá, phát triển thị trường điện ảnh mới. Điều này đã được nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới nắm bắt để xây dựng thương hiệu cho nền điện ảnh của họ. Đã có nhiều nền điện ảnh đang phát triển thành công với hướng đi này. Thái Lan được nhiều người yêu điện ảnh thế giới biết tới khi giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2010 (với bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives của đạo diễn Apichatpong Weerasethakul); hay Philippines từ khi có giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2009 (dành cho Brillante Mendoza với bộ phim Kinatay). Gần đây, điện ảnh Iran tạo lập vị thế với các giải thưởng lớn tại Oscar, Cannes, Berlin...

Với Việt Nam, không phải chúng ta chưa từng có phim đoạt giải quốc tế. Năm 1959, bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải do xưởng phim Việt Nam sản xuất, đã mang về Huy chương Vàng tại LHP Moscow - giải thưởng đầu tiên cho phim tài liệu nói riêng và cho điện ảnh Việt Nam nói chung. Tiếp đó, các bộ phim Con chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông); Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh); Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến)... cũng mang về cho nước nhà nhiều giải thưởng danh giá. Những năm 2000, phim Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên giành danh hiệu Phim xuất sắc ở hạng mục Tài năng trẻ châu Á - Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải; Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có giải Nữ diễn viên xuất sắc (diễn viên Hồng Ánh) tại Liên hoan phim quốc tế Dubai; Chuyện của Pao - đạo diễn Ngô Quang Hải giành giải thưởng Đặc biệt của Ban giám khảo trong liên hoan phim diễn ra tại Đài Bắc năm 2006... Gần đây nhất là Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp giành giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice.

Dù vậy, theo NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân: “Phim Việt Nam chưa tạo nên làn sóng tại các liên hoan phim quốc tế. Điện ảnh Việt có một tín hiệu tốt, nhưng khi người ta chưa kịp quan tâm đến thì nó lại mất hút vài năm. Không có lớp sóng tiếp theo, đứt quãng 5 - 7 năm, phim Việt không còn dấu ấn nữa. Đầu những năm 2000, Ban tổ chức Liên hoan phim Berlin mời khoảng 7 phim của đạo diễn Việt Nam, chứng tỏ thời kỳ ấy có 7 phim tốt để người ta có thể mời đến diễn đàn điện ảnh danh giá đó. Giá như, 1 - 2 năm sau, chúng ta tiếp tục có những bộ phim thật tốt xuất hiện tại Berlin thì lập tức tạo thành lớp sóng kế tiếp. Nhưng tiếc là hàng chục năm sau, phim Việt Nam xuất hiện tại Berlin rất hiếm hoi”. Bên cạnh đó, hằng năm có nhiều nhà tuyển chọn độc lập đến rạp chiếu, rồi liên hoan phim tại Việt Nam, nhưng có năm họ cũng không thể chọn được phim Việt Nam để mời tham dự các liên hoan phim trung bình, vừa, thậm chí nhỏ gần với tầm mức của điện ảnh Việt như LHP Singapore, Dubai. Có thể nói, phải có phim chất lượng tốt hoặc có điểm gây chú ý thì Việt Nam mới được mời tới các sân chơi quốc tế.

Gần đây, Cục Điện ảnh tổ chức tuần phim, liên hoan phim Việt Nam ở nước ngoài cũng góp phần giới thiệu điện ảnh trong nước, nhưng thường phải gom các bộ phim tốt nhất trong 3 - 5 năm để trình chiếu. Điện ảnh phải giới thiệu hằng năm, thường xuyên, liên tục, tuy nhiên mỗi năm để chọn được 5 phim Việt Nam giới thiệu cho khán giả quốc tế đã rất khó. “Các phim ăn khách ở thị trường Việt Nam hiện tại, nếu chiếu ở nước ngoài có thể hơi ngượng, vì không thuần Việt, xem cứ nhang nhác phim Hong Kong, Trung Quốc cách đây nhiều năm. Ở những thập kỷ trước, dù kỹ thuật chưa tốt bằng, nhưng câu chuyện, hình ảnh của phim rất riêng biệt. Càng tiệm cận với văn minh điện ảnh, công nghệ, chất Việt lại bớt đi” - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận xét.

Theo NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh, cần chú trọng dòng phim nghệ thuật. “Những phim gây tiếng vang, mang lại thương hiệu, uy tín cho điện ảnh nước nhà phải là phim nghệ thuật, phản ánh sâu sắc đời sống, nội tâm con người. Có thể hoan nghênh phim thương mại, thu hút đông khán giả, nhưng đó là sự công nhận trong nước. Các phim thương mại không bao giờ có đường tới các vũ đài của điện ảnh thế giới”. Gần đây, một số nhà làm phim độc lập đã chú ý nhiều hơn tới phim nghệ thuật, xuất hiện đều đặn hơn và thậm chí có giải thưởng quốc tế. Đây là hy vọng để điện ảnh Việt Nam có những lớp sóng đáng chú ý trong muôn trùng cơn sóng ngoài khơi xa.

Lê Thủy