Dự án Luật Biên phòng Việt Nam:

Tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện

- Thứ Hai, 10/08/2020, 16:57 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các khái niệm, định nghĩa về biên phòng, các quy định về nhiệm vụ và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; Chế độ chính sách, vai trò nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác biên phòng; thể chế hóa đầy đủ vị trí, vai trò của biên phòng, công tác bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp

Chiều 10.8, tiếp tục Phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam. 

Trình bày Báo cáo về một số nội dung lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, về phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 9), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa đảm bảo nguyên tắc một việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ một chủ thể chủ trì. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung Điều này quy định về phạm vi, nguyên tắc và nội dung phối hợp giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, nhằm phát huy được sức mạnh tổng hợp và thuận lợi trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cụ thể, rõ ràng hơn và dễ thực hiện, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho chỉnh lý lại Điều này như sau:

Tại khoản 1: Cho bổ sung cụm từ “trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình” sau cụm từ “Bộ, cơ quan ngang Bộ”, cụm từ “nơi có biên giới, cơ quan” trước cụm từ “tổ chức có liên quan” tại điểm b; bổ sung điểm c quy định: “Chính quyền địa phương cấp tỉnh nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình hoặc theo phân cấp của Chính phủ, chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng” và điểm d quy định: “Chính quyền địa phương cấp huyện, xã nơi có biên giới, trong phạm vi quyền hạn của mình chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan thực thi nhiệm vụ biên phòng”.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu

Tại khoản 2: Cho bổ sung vào cuối điểm d nội dung: “Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng; cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước thì xử lý theo quy định pháp luật”. Đồng thời, cho chỉnh lý lại một số nội dung khác và chuyển thành Điều 10 như dự thảo Luật mới. 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với nội dung tiếp thu, chỉnh lý của dự án luật. Về tên gọi, các Ủy viên UBTVQH cho rằng, tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp với Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28.9.2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11.6.2019 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Về khái niệm biên phòng Việt Nam, có ý kiến đề nghị cần rà soát kỹ, phân biệt phạm vi điều chỉnh của dự án Luật với Luật Biên giới quốc gia và các luật khác. 

Dự thảo Luật cũng đổi tên Chương II từ “nhiệm vụ biên phòng, lực lượng biên phòng, thực thi nhiệm vụ biên phòng” thành “hoạt động cơ bản của biên phòng”. Tuy nhiên, nội dung chỉ tập trung vào nền biên phòng toàn dân phối hợp và hợp tác quốc tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, bảo đảm chặt chẽ, phản ánh đúng nội dung Chương II với tên gọi được thiết kế trong dự thảo Luật. 

Về lực lượng biên phòng, các quy định đều được chỉnh lý một cách toàn diện, nhất là quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng biên phòng, hình thức bảo vệ biên giới… Việc chỉnh lý này là phù hợp, bám sát ý kiến của đại biểu Quốc hội trong việc làm rõ, phân định nhiệm vụ, chức năng của bộ đội biên phòng với các lực lượng khác.

Nhất trí với việc bổ sung về chế độ chính sách với lực lượng bộ đội biên phòng, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng này đúng với tính chất, vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, thực thi nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Đối với công tác phối hợp giữa lực lượng biên phòng với lực lượng công an trên biên giới, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ các khái niệm, định nghĩa về biên phòng, các quy định về nhiệm vụ và lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, chế độ chính sách, vai trò nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân trong công tác biên phòng, thể chế hóa đầy đủ vị trí, vai trò của biên phòng, công tác bảo vệ và xây dựng biên giới quốc gia. 

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về quản lý, sử dụng đất quốc phòng vào hoạt động lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội.

Hoàng Ngọc