Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chương trình lớp 1 mới

- Thứ Năm, 16/07/2020, 15:37 - Chia sẻ
Làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang về thực hiện Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 của Quốc hội, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này; đẩy mạnh xã hội hóa; tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới trong năm học tới, từ đó rút kinh nghiệm cho những năm học sau.

Sáng 16.7, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về tình hình thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020 đã làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình - Trưởng đoàn giám sát - chủ trì buổi làm việc.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại cuộc làm việc

Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội khó khăn, hiện còn 49 ấp, thôn ấp đặc biệt khó khăn. Về mạng lưới trường lớp, theo báo cáo của UBND tỉnh, năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 333 trường, bao gồm: Mầm non 86 trường (84 trường công lập và 2 trường ngoài công lập); Tiểu học 162 trường (161 trường công lập, 1 trường khuyết tật trực thuộc Sở GD - ĐT, không có trường ngoài công lập); THCS 62 trường, trong đó có Trường Phổ thông DTNT Him Lam và Trường liên cấp Tiểu học và THCS Phương Ninh, không có trường ngoài công lập; THPT 23 trường, trong đó có Trường PTDT nội trú tỉnh Hậu Giang.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang Nguyễn Hoài Thuý Hằng cho biết bản thảo tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 đang dạy thực nghiệm tại một số trường tiểu học trên địa bàn

Tính đến tháng 6.2020, Hậu Giang có 238/331 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 71,9%. Toàn ngành có 10.023 người, trong đó có 427 công chức, 9.596 viên chức sự nghiệp và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP; có 740 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, trong đó 100% đạt chuẩn và 94,59% trên chuẩn về trình độ chuyên môn; có 7.970 giáo viên, trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn và 77,76% giáo viên có trình độ trên chuẩn.

Bảo đảm 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày

Về tình hình thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 12 văn bản, kế hoạch, quyết định chỉ đạo, quản lý phục vụ triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn. Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành bản thảo đề cương tài liệu giáo dục địa phương (từ lớp 1 đến lớp 12), và bản thảo tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 đang dạy thực nghiệm tại một số trường tiểu học trên địa bàn. Các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn xây dựng kế hoạch thực hiện dạy học và các hoạt động giáo dục theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với sách giáo khoa lớp 1 mới, tỉnh đã chọn sách của 3 bộ Cánh diều, Kết nối tri thức và sáng tạo, Chân trời sáng tạo; đồng thời rà soát danh sách học sinh hộ nghèo dự kiến phải hỗ trợ sách giáo khoa để có phương án.

Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận sự chuẩn bị tích cực của địa phương trong thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51

Tỉnh đã tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học, cấp học; chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cơ bản đủ về số lượng, có chất lượng, bảo đảm thực hiện công tác quản lý, dạy học. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên không đồng bộ về chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu giáo viên dạy Âm nhạc, M thuật, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm… nhưng địa phương vẫn chưa tuyển mới được.

Để bảo đảm cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh ưu tiên đầu tư phòng học đối với cấp tiểu học (bảo đảm 1 phòng/lớp), phòng học bộ môn đối với cấp THCS và THPT, xóa bỏ các phòng học tạm, phòng học bị xuống cấp. Trước mắt bảo đảm 100% học sinh khối lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 được học 2 buổi/ngày. Tnh sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục mới, nhưng kiến nghị tiếp tục bố trí nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực tham gia vào sự nghiệp giáo dục

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Từ quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, Hậu Giang kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo h
ướng dẫn cụ thể hơn việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương cấp THCS, THPT; tổ chức tập huấn đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà một cách có hệ thống, bảo đảm thống nhất về nội dung trong các module được tập huấn, có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức tập huấn đại trà. Để tập huấn giáo viên đại trà thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới có hiệu quả, sát với thực tế, đề nghị ban hành sách giáo khoa các môn học sớm để giáo viên có thể tìm hiểu, nghiên cứu, lựa chọn hợp lý.

Đối với Bộ Nội vụ, Hậu Giang kiến nghị nghiên cứu chế độ lao động, định mức lao động kinh tế kỹ thuật của giáo viên mầm non, phổ thông và tiến hành rà soát, khảo sát về định mức giáo viên mầm non, phổ thông làm căn cứ để điều chỉnh định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, nhằm thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (trong đó sẽ tính toán định mức giáo viên để hướng tới tất cả cấp học phổ thông thực hiện dạy 2 buổi/ngày và giảm sĩ số học sinh/lớp).

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Phó Trưởng đoàn giám sát Ngô Thị Minh, địa phương cần có kế hoạch tổng thể thực hiện Nghị quyết 88

Đoàn giám sát chia sẻ với địa phương, tuy còn nhiều khó khăn nhưng vẫn tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dục. Đoàn ấn tượng với cách làm của Hậu Giang trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, từ công tác chỉ đạo đến tuyên truyền, tổ chức thực hiện, và sự tự tin của giáo viên, cũng như huy động các nguồn lực xã hội. Đây là thuận lợi để tỉnh triển Nghị quyết 88, Nghị quyết 51. Tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân nhận thức đúng về đợt đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này; đẩy mạnh xã hội hóa; tập trung chỉ đạo để thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới trong năm học tới, từ đó rút kinh nghiệm cho những năm học sau.

Quá trình đổi mới giáo dục không thể một sớm một chiều, đòi hỏi phải có kế hoạch tổng thể với lộ trình cụ thể. Trong quá trình ấy, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình, "không được nóng vội, cũng không được đốt cháy giai đoạn". 

Nhật Linh