Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất

- Thứ Năm, 28/05/2020, 10:39 - Chia sẻ
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 cần đầu tư trọng tâm hơn, tập trung vào 5 nhiệm vụ của Nghị quyết 88 của Quốc hội, để giải quyết được các vấn đề cơ bản như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản; quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo; chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.

 Sáng 28.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Chín, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình).

Ảnh: Quang Khánh

Thu hẹp dần khoảng cách về mức song

Trình bày Tờ trình về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình trước Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ, mục tiêu tổng quát của Chương trình là giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) so với bình quân chung của cả nước; đảm bảo an sinh xã hội; bảo vệ an ninh tổ quốc; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Chương trình sẽ đóng góp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu được xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội. Trong đó, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và MN hàng năm trên 3%; phát triển bền vững sinh kế, tăng thu nhập bình quân của người dân vùng đồng bào DTTS và MN lên hơn 2 lần so với năm 2020; phấn đấu giảm trên 60% số xã, thôn đặc biệt khó khăn so với tiêu chí năm 2020. Chương trình cũng đề ra 8 nhóm chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025. 


Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030
Ảnh: Quang Khánh

Về định hướng mục tiêu đến năm 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết: nỗ lực cao nhất, phấn đấu đạt được các mục tiêu đã xác định trong Nghị quyết số 88 của Quốc hội: tăng thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số lên tối thiểu bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Tổng nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 được xác định tối thiểu là 137.664,95 tỷ đồng. Thừa nhận, số vốn này chưa đáp ứng được theo Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030 đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cũng đề nghị, trong quá trình điều hành, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục cân đối ngân sách Trung ương để có thể hỗ trợ thêm cho Chương trình và có giải pháp huy động hợp lý nguồn vốn ODA, các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, nỗ lực cao nhất để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội đã phê duyệt. 

Tích hợp thực hiện trên 100 chính sách dân tộc

"Hội đồng Dân tộc cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia như Tờ trình của Chính phủ. Đây là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển KT - XH, mà còn tích hợp thực hiện trên 100 chính sách dân tộc", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến khẳng định khi trình bày Báo cáo thẩm tra trước Quốc hội.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030  
Ảnh: Quang Khánh
Cũng theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, việc Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia là thể chế hóa Khoản 5 Điều 70, Hiến pháp 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”; thực hiện kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18.11.2019 của Quốc hội “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” và cơ bản phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Quản lý nợ công.

Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, một số mục tiêu của Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình chưa đảm bảo thống nhất với các mục tiêu tại Nghị quyết số 88 của Quốc hội, còn một số mục tiêu của Nghị quyết 88 chưa được đưa vào Chương trình. Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung số liệu, chỉ tiêu đến năm 2025; các chỉ tiêu cần được xây dựng theo kế hoạch từng năm để thuận lợi việc bố trí vốn và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng nêu rõ, đa số thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị Chương trình cần đầu tư trọng tâm hơn, tập trung vào 5 nhiệm vụ của Nghị quyết 88, để giải quyết được các vấn đề cơ bản như: nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản; quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng đồng bào DTTS và MN; chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.

Thống nhất với các giải pháp, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực thực hiện được đề ra trong Chương trình, song Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, các giải pháp này chưa khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Hội đồng Dân tộc đề nghị, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc rà soát chính sách dân tộc và các văn bản quy phạm pháp luật đối với vùng đồng bào DTTD và MN, loại bỏ các chính sách, quy định kém hiệu quả; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng đồng bào DTTS và MN theo đúng tinh thần Nghị quyết 88.

Hoàng Ngọc