Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Thanh Hóa Khóa XVII

Tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:16 - Chia sẻ
Nền kinh tế phát triển chưa tương xứng với quy mô, vị thế; nông nghiệp, nông dân và nông thôn còn nhiều bất cập; giáo dục miền núi còn nhiều khó khăn… là những vấn đề nổi cộm đại biểu tập trung bàn thảo để tìm giải pháp khả thi trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại kỳ họp.

Chậm trễ trong chỉ đạo, điều hành

Thảo luận tại tổ và hội trường, hầu hết các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá về các số liệu trong báo cáo của UBND tỉnh. Nhiều đại biểu khẳng định, 6 tháng đầu năm 2019, việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển đột phá; tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ; nhiều chỉ tiêu tăng khá có triển vọng hoàn thành kế hoạch cả năm… Tuy nhiên, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến, bên cạnh những kết quả đáng tự hào, nền kinh tế của tỉnh vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh, phát triển chưa tương xứng quy mô, vị thế. Vì vậy, phải nhìn thẳng vào những hạn chế yếu kém, tập trung phân tích làm rõ và tìm biện pháp khắc phục hiệu quả những rào cản đó.


Đại biểu tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận Ảnh: Hải Phong

Đồng tình ý kiến này, đại biểu Ngô Tôn Tẫn khẳng định: Những hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội do công tác chỉ đạo, điều hành còn chậm trễ; một bộ phận cán bộ tham mưu từ huyện đến tỉnh trình độ, năng lực hạn chế nên tham mưu chưa sát với tình hình; một số cán bộ chưa tâm huyết, nhiệt tình với công việc. Vì vậy, cần có những giải pháp quyết liệt để nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới… Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung, làm rõ hơn các giải pháp khắc phục tồn tại nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm. Đơn cử, mặc dù thu ngân sách nhà nước của 6 tháng đầu năm đạt kết quả cao nhưng còn để thất thoát nguồn thu. Do đó, ngành thuế cần rà soát các nguồn thu và tăng cường các biện pháp thu, nhất là thu thuế từ các hộ kinh doanh.

Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đỗ Trọng Hưng cho rằng: Cần tăng cường lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp giữa các ngành, địa phương làm tốt hơn công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tập trung triển khai hiệu quả các dự án đầu tư đã có và thu hút các dự án đầu tư mới; quan tâm phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp theo hướng bền vững; ưu tiên phát triển doanh nghiệp thành lập mới, quan tâm đến doanh nghiệp đã có…

Tạo lợi thế kép khai thác tiềm năng

Trong các phiên thảo luận, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu. Nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù nông nghiệp Thanh Hóa đã có những bước phát triển khá toàn diện nhưng đang có một số bất cập trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí, đặc biệt là việc tích tụ ruộng đất, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp... Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có 26/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh bùng phát dịch.

Đóng góp ý kiến cụ thể, đại biểu Mai Văn Hải (huyện Nga Sơn) cho rằng, thời gian gần đây, các địa phương đã và đang tập trung triển khai hiệu quả việc tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập của người nông dân… Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, sản xuất quy mô lớn ở các địa phương, tỉnh cần sớm nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất quy mô lớn. ‘‘Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn và có những giải pháp, cơ chế sát hợp để giúp các địa phương triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao’’, ông Hải nhấn mạnh.

Trăn trở với câu chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đại biểu Nguyễn Tiến Ngọc (huyện Ngọc Lặc) phân tích, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở hầu hết các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thời gian qua còn chậm, chưa tạo ra những vùng liên kết theo chuỗi giá trị. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở các địa phương có tiềm năng, lợi thế dọc tuyến đường Hồ Chí Minh còn hạn chế. Đại biểu đề xuất, cần xác định lại phân vùng quy hoạch; rà soát, bổ sung các danh mục các sản phẩm chủ lực để tập trung chỉ đạo xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh… Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Tiến (huyện Quan Sơn) thì cho rằng: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi còn hạn chế nên tiềm năng chưa được khai thác. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh, tập trung vào nguồn lực, nhằm tạo lợi thế kép khai thác tiềm năng của vùng miền núi.

Góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều đại biểu đề nghị UBND tỉnh quan tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; triển khai hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…

Nhất trí với các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Đức Giang khẳng định, Sở đã có nhiều cố gắng tham mưu cho tỉnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, tuy nhiên do yếu tố khách quan và chủ quan nên một số chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực chưa đạt yêu cầu, nhất là trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. ‘‘Do đó, tỉnh, các ngành, đơn vị cần tiếp tục tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi; phòng, chống cháy rừng; nghiên cứu xây dựng phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; phòng, chống thiên tai, nhất là các vùng miền núi, vùng ven sông…’’, ông Lê Đức Giang đề nghị.

Nâng cao chất lượng giáo dục đại trà

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, nhiều đại biểu đánh giá: Thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD - ĐT) đã tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 và tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 an toàn, đúng quy chế. Giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao; có 1 học sinh đoạt Huy chương Đồng tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á và 64 học sinh đoạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi THPT quốc gia; có thêm 33 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia lên 67,6%... Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng tỉnh cần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là ở các huyện miền núi; cần bổ sung biên chế giáo viên còn thiếu theo định mức hoặc cho chủ trương, hỗ trợ kinh phí để UBND các huyện, thị xã, thành phố hợp đồng số giáo viên còn thiếu trong năm học 2019 - 2020.

Trước những vấn đề đại biểu đặt ra, Giám đốc Sở GD - ĐT Phạm Thị Hằng cho biết: Chất lượng giáo dục miền núi thấp so với miền xuôi về nhiều mặt đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục chung toàn tỉnh. Trước thực trạng đó, tỉnh đã chỉ đạo Sở GD - ĐT rà soát, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế. Trên cơ sở đó, xây dựng giải pháp tham mưu nhằm thu hẹp khoảng cách miền núi và miền xuôi. ‘‘Thời gian tới, Sở GD - ĐT sẽ tập trung rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp gắn với đơn vị hành chính cấp xã; thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý cơ sở vật chất và con người; bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; tăng cường công tác thanh, kiểm tra…’’, bà Phạm Thị Hằng nhấn mạnh.

DIỆP ANH