Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Đắk Nông Khóa III

Tập trung mọi nguồn lực phòng, chống dịch bạch hầu

- Chủ Nhật, 19/07/2020, 06:21 - Chia sẻ

Điều hành các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, Chủ tọa yêu cầu ngành y tế cần xem phòng, chống dịch bạch hầu phải như tinh thần phòng, chống dịch Covid-19; tập trung mọi nguồn lực phát hiện nhanh, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp mắc mới, hạn chế tối đa ca tử vong do nhiễm bạch hầu. Sở Thông tin -Truyền thông và Sở Tư pháp phối hợp chặt, đẩy mạnh tuyên truyền; đơn vị chủ quản tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thanh cơ sở, duy trì hoạt động, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hạn hán kéo dài trên diện rộng, giá cả nông sản giảm… Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Đắk Nông đã tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa quyết tâm duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay có 5/16 nhóm chỉ tiêu đạt khá, tốt, chiếm 31,2%; 3/16 nhóm chỉ tiêu đạt thấp, chiếm 18,7%; 8/16 nhóm chỉ tiêu đánh giá vào cuối năm, chiếm 50%.

Đại biểu thảo luận tại kỳ họp
Ảnh: N. Hiền

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đề nghị làm rõ một số khó khăn, hạn chế trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020. Nhất là tình hình giải ngân nguồn vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm đạt thấp so với kế hoạch. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Phạm Đình Tuấn, trong năm 2020, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổng vốn chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phân bổ đạt 91,2% dự toán HĐND tỉnh giao và đạt 83,3% tổng kế hoạch vốn năm 2020. Tuy nhiên, tính hết 6 tháng, việc giải ngân nguồn vốn toàn tỉnh chỉ được trên 640 tỷ đồng, đạt 35,4%.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân khách quan do một số dự án đã có chủ trương điều chỉnh để tăng hiệu quả đầu tư nhưng gặp vướng mắc khi triển khai điều chỉnh theo nghị định của Chính phủ. Một số dự án được sử dụng từ nguồn vốn dự phòng chung nhưng đến nay chưa được Trung ương bổ sung kế hoạch trung hạn. Một số dự án lớn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Các chủ đầu tư chậm hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, phê duyệt dự án… Ông Tuấn đưa ra nhiều giải pháp khắc phục, chủ yếu là chuyển giao nguồn vốn đối với các dự án chậm tiến độ.

Không đồng tình với giải pháp Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư đưa ra, Phó trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Lê Quốc Đông cho rằng, đến thời điểm này có rất nhiều dự án chậm giải ngân nguồn vốn, vấn đề đặt ra là điều chuyển cho dự án nào để có thể đạt mục tiêu, tránh những bất cập trong giải ngân sau điều chuyển. Tỉnh nên có biện pháp xử lý hành chính đối với những đơn vị liên quan để chậm giải ngân nguồn vốn. Và để bảo đảm thực hiện giải ngân đạt 100% vào cuối năm, theo ý kiến của các đại biểu, các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố cần xem thúc đẩy giải ngân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo sâu sát các đơn vị trực thuộc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.

Về diễn biến tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong cộng đồng, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: Ngành y tế đã và đang triển khai các giải pháp cần thiết như tăng cường tiêm chủng, phát hiện nhanh, cách ly điều trị, khoanh vùng dịch và vùng có khả năng xuất hiện dịch cao… Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn đề nghị ngành y tế cần xem phòng, chống dịch bạch hầu phải như tinh thần phòng, chống dịch Covid-19; tập trung mọi nguồn lực phát hiện nhanh, ngăn chặn có hiệu quả các trường hợp mắc mới, hạn chế tối đa ca tử vong do nhiễm bạch hầu.

Rõ giải pháp khắc phục những hạn chế

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp, đại biểu đã đặt ra nhiều vấn đề nổi cộm; các đơn vị được chất vấn đã đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế ở các lĩnh vực phụ trách. Cụ thể, trước yêu cầu của Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Lê Văn Chiến về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật đã dẫn đến nhiều vụ vi phạm pháp luật với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở cơ sở gần như không chất lượng. Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Trung Hiếu thừa nhận, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và cho biết: Sở sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên sẽ dần được củng cố cả về chất lượng và số lượng, sẽ được quan tâm hơn về chế độ. Các hình thức tuyên truyền sẽ được đổi mới, đa dạng hóa. Đặc biệt, qua các vụ xét xử lưu động, hội đồng xét xử lồng ghép tuyên truyền cho người dân về pháp luật, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

Trước chất vấn của Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh Kiều Châu Loan về hoạt động truyền thanh cơ sở còn nhiều bất cập, hệ thống loa đài hư hỏng; cán bộ phụ trách chuyên môn hạn chế, chưa được hưởng chế độ theo quy định, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Trần Văn Nam khẳng định: Thời gian tới, ngành sẽ thay thế, sửa chữa các cụm loa, thiết bị hư hỏng và  đưa vào sử dụng đài truyền thanh thông minh nên người bình thường cũng có thể làm được; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Nhấn mạnh hiện nay còn có những “vùng lõm” về hiểu biết pháp luật, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Diễn yêu cầu Sở Thông tin -Truyền thông và Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đơn vị chủ quản cần tăng cường đầu tư kinh phí nâng cao chất lượng hạ tầng truyền thanh cơ sở, duy trì hoạt động, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

HIỀN NGUYỄN