Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ngãi Khóa XII

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

- Thứ Ba, 28/07/2020, 03:11 - Chia sẻ
Những tháng cuối năm, tỉnh cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tích tụ, tập trung đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thực hiện tốt công tác tái đàn, tăng đàn lợn sau dịch; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Có giải pháp hữu hiệu huy động tối đa và sử dụng thực sự hiệu quả các nguồn lực đầu tư… là những nội dung được nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Quảng Ngãi Khóa XII.

Tăng cường khai thác bù các khoản hụt thu

Theo đánh giá tại kỳ họp, tuy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn không đạt kế hoạch và thấp hơn cùng kỳ nhưng đã có tăng trưởng ước đạt 0,72%. Sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh trong chăn nuôi và đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, giá trị sản xuất tăng 2,5% so với cùng kỳ. Bình quân toàn tỉnh đạt 14,95 tiêu chí/xã; có thêm 2 huyện đang trình thẩm định, phê duyệt đạt chuẩn nông thôn mới. Sản xuất công nghiệp tuy bị ảnh hưởng mạnh do gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường giảm sút nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng 6,9 % so với cùng kỳ. Trong 6 tháng, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 48 dự án, tổng vốn đăng ký 2.314 tỷ đồng…

Tuy nhiên, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có đóng góp lớn cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế giảm so với cùng kỳ, như: Thủy sản chế biến, đường, bia các loại… Các ngành dịch vụ giảm 6,77% so với cùng kỳ, nhất là du lịch, số lượng du khách và tổng doanh thu du lịch. Tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả đạt thấp so với kế hoạch. Nhiều chỉ số phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh tuy được cải thiện nhưng vẫn còn đứng thứ hạng thấp so với cả nước…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh: Một số hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra tại các kỳ họp trước, mặc dù đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết thực sự có kết quả. Nhất là tình trạng nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động của một số doanh nghiệp; nợ đọng thuế tại một số dự án có sử dụng đất; công tác thu hồi vốn tạm ứng các chương trình, dự án đầu tư công; tình trạng khai thác, vận chuyển và tập kết khoáng sản trái phép, không phép; ô nhiễm môi trường…

Những khó khăn trong 6 tháng đầu năm đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu của tỉnh. Tổng thu cân đối ngân sách trên địa bàn 6 tháng ước đạt gần 8.000 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 42,6% dự toán năm. Qua rà soát, khả năng hụt thu ngân sách trong năm 2020 là 5.300 tỷ so với dự toán HĐND tỉnh giao. Thảo luận tại kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, nên điều chỉnh dự toán thu chi ngân sách trong năm 2020.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài chính Huỳnh Chánh cho rằng, nếu điều chỉnh dự toán thu, bắt buộc phải điều chỉnh dự toán chi sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chi an sinh xã hội. Vì thế, chỉ trình điều hành chi theo khả năng thu của địa phương, tăng cường khai thác bù các khoản hụt thu. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp: Để bù hụt thu, các ngành, địa phương cần nỗ lực bảo đảm các nguồn thu, đặc biệt các khoản thu ở các địa phương.

Quản lý chặt, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí Thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tích tụ, tập trung đất đai, gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Kiểm soát chặt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; kiên quyết không để tái phát dịch tả lợn châu Phi, đồng thời thực hiện tốt công tác tái đàn, tăng đàn lợn sau dịch. Tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt, bảo đảm tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP). Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là các sản phẩm có khả năng tăng sản lượng và có thị trường tiêu thụ.

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Đinh Ngọc Vỹ phản ánh thực tế việc tuyển dụng viên chức rất khó khăn, nhất là giáo viên. Đặc biệt, khu vực miền núi số lượng giáo viên thiếu rất nhiều. Dẫn thực trạng hiện nay số giáo viên khi thi tuyển đỗ ở khu vực miền núi công tác được một vài năm lại chuyển xuống đồng bằng, làm cho khu vực miền núi vốn đã thiếu giáo viên lại càng thiếu trầm trọng hơn, đại biểu mong muốn các sở, ngành tham mưu giải pháp bảo đảm đủ số lượng giáo viên để thực hiện tốt công tác giảng dạy ở địa bàn miền núi.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, các chương trình xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, kiên quyết xử lý những trường hợp kinh doanh hàng hóa không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá để thu lợi bất chính. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nghiên cứu có các giải pháp hữu hiệu huy động tối đa và sử dụng thực sự có hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập trung đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân cũng nhấn mạnh yêu cầu quản lý chặt, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ. Kiên quyết điều chuyển vốn từ những công trình, dự án còn vướng về thủ tục, tiến độ chậm không có khả năng giải ngân hết vốn cho những công trình, dự án triển khai nhanh, có khối lượng hoàn thành để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công.

Cùng với đó, theo Chủ tịch HĐND tỉnh, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến mạnh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trong Khu kinh tế Dung Quất và các dự án trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất năm 2020 để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp thu hồi các khoản nợ đọng.

HUYỀN LÊ