Hội nghị thường trực HĐND các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ lần thứ 5 tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc đại biểu, cử tri quan tâm (*)

- Thứ Tư, 21/08/2019, 08:07 - Chia sẻ
Lược ghi phát biểu của ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI, ĐẠI TƯỚNG ĐỖ BÁ TỴ tại hội nghị

Kính thưa Đồng chí Lê Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Kính thưa các quý vị đại biểu;

Thưa toàn thể các đồng chí.

Hôm nay, tôi rất vui mừng khi đến dự Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố khu vực miền Đông Nam bộ lần thứ 5 tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thay mặt UBTVQH, tôi nhiệt liệt chào mừng và chúc các vị đại biểu, các vị khách quý tham dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Thưa các đồng chí,

Tôi hoan nghênh các tỉnh, thành phố khu vực đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu lựa chọn chủ đề hội nghị lần này là: “Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng tài sản công”. Đây sẽ là diễn đàn để các địa phương tiếp tục thảo luận, đề xuất, kiến nghị những nội dung cụ thể, sát với thực tiễn nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động giám sát, thẩm tra chương trình, dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, trong khi Luật Đầu tư công năm 2019 chưa có hiệu lực thi hành.

Hội nghị đã tập trung bàn sâu về kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công; kinh nghiệm tổ chức giám sát chuyên đề và tổ chức phiên họp giải trình về đầu tư công của Thường trực HĐND tỉnh; kinh nghiệm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát quản lý, sử dụng tài sản công. Nhiều tham luận của các đại biểu trình bày đã nêu lên thực tiễn, những kinh nghiệm tốt để những địa phương khác tham khảo, rút kinh nghiệm trong hoạt động giám sát, thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công, việc quản lý, sử dụng tài sản công.


Ảnh: Trung Thành

Thưa các đồng chí,

Tôi tâm đắc với nhiều cách làm sáng tạo của các địa phương trong hoạt động giám sát thẩm tra các chương trình, dự án đầu tư công như tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, của thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác. Do đó, tôi đồng tình và đánh giá cao các báo cáo tham luận được trình bày tại Hội nghị ngày hôm nay. Đồng thời, tôi cũng hoan nghênh Ban Công tác đại biểu đã chủ động chuẩn bị dự thảo Văn bản báo cáo UBTVQH về một số vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND, làm cơ sở để UBTVQH tham khảo xem xét, tiếp thu hoàn chỉnh dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ 8, QH Khóa XIV thông qua.

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức và hoạt động của HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 và các năm tiếp theo. Vì vậy, những ý kiến góp ý của các vị đại biểu tham dự ngày hôm nay vào dự thảo Văn bản của Ban Công tác đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi đề nghị ngay sau hội nghị này, Ban Công tác đại biểu sẽ tiếp thu, phối hợp với Bộ Nội vụ và cơ quan có liên quan chỉnh lý Văn bản và tiếp tục xin ý kiến tại các Hội nghị Thường trực HĐND ở những khu vực tiếp theo, nhằm củng cố đầy đủ luận chứng thực tiễn và khoa học, báo cáo, đề xuất, kiến nghị với UBTVQH chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương trình QH thông qua, bảo đảm HĐND nói riêng và chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Thưa các đồng chí,

Để tiếp tục thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật đầu tư công năm 2014, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Hoạt động giám sát... nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của HĐND trong việc thực hiện chức năng giám sát chương trình, dự án đầu tư công, việc sử dụng, quản lý tài sản công, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương, tôi đề nghị chúng ta cần quan tâm hơn một số vấn đề sau:

Một là, cần nhận thức sâu sắc về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014 để thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Qua đó, phản ánh kịp thời những hạn chế, bất cập, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát chương trình, dự án đầu tư công, việc sử dụng, quản lý tài sản công nói riêng để bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, giám sát của HĐND đối với nội dung liên quan đến đầu tư công, việc sử dụng, quản lý tài sản công. Đây là nội dung rất quan trọng để HĐND đưa ra quyết định đúng đắn, bảo đảm nghị quyết của HĐND phù hợp, đúng mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng các quy định pháp luật của Nhà nước về đầu tư công. Để phục vụ tốt công tác thẩm tra cần chủ động nắm bắt thông tin, đề nghị cơ quan chức năng cung cấp các báo cáo, những nội dung quan trọng cần thiết báo cáo theo đề cương để phục vụ công tác thẩm tra, cung cấp các tài liệu cơ sở. Thực hiện tốt việc chuẩn bị thẩm tra, qua đó nắm đầy đủ, đúng chế độ chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến đầu tư công.

Ba là, nâng cao chất lượng công tác giám sát việc thực hiện nghị quyết về đầu tư công. Để thực hiện tốt hoạt động này, cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung, chuyên đề giám sát để trình HĐND thông qua nghị quyết làm cơ sở thực hiện. Trong giám sát, phải tập trung vào các vấn đề trọng tâm, bức xúc mà đại biểu HĐND, cử tri và nhân dân quan tâm. Theo đó, trong giám sát cần hợp lý, khoa học; xác định đúng đối tượng giám sát; tổ chức khảo sát thực tế và lắng nghe ý kiến người dân, các chuyên gia, nhà khoa học. Khi cần thiết thực hiện phiên giải trình tại Phiên họp Thường trực HĐND. Thành viên của đoàn giám sát phải có hiểu biết lĩnh vực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn; đối với vấn đề phức tạp; đồng thời nếu cần thiết có thể mời chuyên gia phối hợp thực hiện giám sát, khảo sát. Kết thúc đợt giám sát, cần có báo cáo kết quả giám sát, trong đó đề xuất những kiến nghị để khắc phục kịp thời những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan nội dung giám sát. Kết luận giám sát phải cụ thể theo từng nhóm vấn đề, tránh kết luận chung chung, khó thực hiện. Sau giám sát, cần theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát. Tổ chức tái giám sát nếu thấy cần thiết.

Bốn là, đầu tư công, quản lý tài sản công là lĩnh vực chuyên ngành, có nhiều nội dung phức tạp. Do đó, bên cạnh việc tự nghiên cứu kiến thức, nghiệp vụ về đầu tư công, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ về đầu tư công cho đại biểu HĐND các cấp nhằm giúp cho đại biểu có kiến thức phân tích, tổng hợp các nguồn vốn, chương trình đầu tư, nhất là các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Về vấn đề này, tôi đề nghị Ban Công tác đại biểu tăng cường phối hợp với Thường trực HĐND các địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND về các nội dung về đầu tư công và các lĩnh vực khác cho phù hợp với đặc điểm của cơ quan HĐND các cấp.

Năm là, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tài chính, kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan để giám sát ngay từ khâu xây dựng dự toán, phương án phân bổ ngân sách cho đầu tư công, tiếp cận ngay trong quá trình UBND tỉnh họp cho ý kiến bước đầu để tiến hành dự thảo báo cáo thẩm tra. Đồng thời, có thể khảo sát thực tế một số dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công. Trước khi quyết định bổ sung các dự án vào kế hoạch đầu tư công, cần nắm bắt kỹ thông tin các công trình, dự án do UBND tỉnh đề xuất; tiến hành khảo sát thực địa; đồng thời, yêu cầu cơ quan chuyên môn giải trình thêm, trên cơ sở đó, tham mưu HĐND quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn!

______________

(*) Đầu đề do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

T. THÀNH lược ghi