Tẩy chay tại chức?

- Thứ Năm, 09/12/2010, 00:00 - Chia sẻ
“Phát súng” đầu tiên nã vào hệ tại chức của ngành GD vang lên từ Đà Nẵng khi thành phố thông báo từ năm 2011 tuyển công chức không chấp nhận ứng viên có bằng tại chức. Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng đã nói rằng, quy định nói trên “nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ”.

Thực ra không phải đến bây giờ cơ quan tuyển dụng mới “chê” người xin việc có bằng tại chức, mà nếu chịu khó xem thông báo tuyển dụng, ta thấy nhan nhản yêu cầu bằng ĐH chính quy. Song ở Đà Nẵng được xem là phát súng đầu tiên, vì tuyển dụng cho chức danh công chức nhà nước. Có người ủng hộ, có người phản đối. Lại có cả phái trung dung: ủng hộ nhưng đề nghị cần linh hoạt và mềm dẻo hơn.

Câu chuyện năng lực và bằng cấp xin bàn ở một bài khác. Ở đây chỉ nói về khía cạnh sự việc này tác động qua lại như thế nào đến GD và đào tạo hiện nay. Từ nay, sinh viên tại chức không chỉ phải tất bật vượt qua cái cửa ải là thi lấy bằng tốt nghiệp, mà còn phải qua cái barie quan trọng hơn, quyết định hơn, ấy là sự công nhận của cộng đồng, của xã hội. Bộ GD-ĐT có Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, nhưng cho dù Cục này đánh giá thế nào đi nữa mà cộng đồng không chấp nhận thì cũng chẳng có tác dụng gì. Như vậy, giữa GD và xã hội bắt đầu có những quy định, ràng buộc và tác động tương hỗ. Nhận xét, đánh giá thì không bao giờ chấp nhận kiểu “con hát mẹ khen”.

Trong bối cảnh chất lượng GD chưa đáp ứng được yêu cầu, kiểm định, đánh giá của ngành đang ở những bước sơ khai và ngổn ngang thì sự tham gia đánh giá của xã hội là cần thiết. Bản thân ngành GD cũng đang cùng với xã hội đánh giá cơ mà (đánh giá ngoài).

Cái “nồi cơm” (tại chức) của các trường ĐH sẽ được (hoặc bị) cộng đồng giám sát chặt chẽ theo kiểu lạt mềm buộc chặt, chỉ đơn giản bằng cách: chấp nhận hay tẩy chay sản phẩm. Cộng đồng và doanh nghiệp sẽ là cơ quan kiểm định đánh giá vô tư và chính xác nhất chất lượng đào tạo.

Đây sẽ là bước khởi đầu để có thể tiến tới một doanh nghiệp hay một địa phương nào đó đăng thông báo tuyển dụng rằng: chỉ nhận sinh viên trường A, B... Khi đó, các trường muốn tồn tại buộc phải cạnh tranh lành mạnh và... hết sức tự giác. Đây có phải cũng là một phương pháp để giải bài toán chất lượng mà lâu nay làm đau đầu các nhà quản lý GD?

Đà Nẵng mới làm có vậy, và mới chỉ nhằm vào tại chức, trên thực tế nhiều cơ quan, doanh nghiệp không tuyển nhân viên qua việc kiểm tra bằng cấp, dù của trường ĐH nào, chính quy hay chuyên tu, tại chức... mà đã kiểm tra thực lực của người xin việc. Đấy còn là điều đáng báo động hơn cho ngành giáo dục.

Ngô Thiệu Phong