Thực thi EVFTA và EVIPA

Thách thức lớn nhất là sự đáp ứng của cộng đồng doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 08:01 - Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được dự báo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nước ta. Để khai thác lợi ích từ hai hiệp định này, nhất là từ EVFTA, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý, thách thức lớn nhất vẫn là phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước để họ tận dụng được cơ hội các hiệp định mang lại.

 Đã có chuẩn bị nhất định

Thảo luận về việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA tại Kỳ họp thứ Chín, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chỉ rõ, việc Quốc hội bấm nút phê chuẩn các hiệp định này là chính thức "thông xe" cho "con đường cao tốc" tới Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thông xe là mở lối đi, còn làm sao để các doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể vận hành trơn tru, hiệu quả trên con đường này mới là nhiệm vụ quan trọng và là hành trình vô cùng gian nan.

Nguồn: ITN

Để thực hiện hiệu quả hiệp định, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) chỉ rõ, trước hết phải thiết kế được những "đường gom, lối mở" để doanh nghiệp, nền kinh tế của chúng ta có thể lên đường cao tốc, đó chính là những luật, nghị định, thông tư để nội luật hóa các cam kết hoặc hướng dẫn cách thức để thực hiện các cam kết cho doanh nghiệp. Và soạn thảo thật nhanh, ban hành thật sớm các văn bản này có ý nghĩa rất quan trọng để chúng ta có thể "thông xe". Qua rà soát, Chính phủ đã chỉ rõ khối lượng không nhỏ văn bản như vậy, kể cả ở tầm luật, nghị định, thông tư, cũng như xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, với kinh nghiệm triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đại biểu Vũ Tiến Lộc vẫn lo ngại về nguy chậm trễ trong ban hành các văn bản để bảo đảm thực hiện hiệp định và sự phối hợp giữa các bộ, ngành cũng chưa thật sự hài hòa.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến việc nội luật hóa cam kết đã được nhiều ĐBQH nhấn mạnh từ trước, trong và sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. Bởi, thực hiện tốt yêu cầu này sẽ giúp tránh lặp lại bài học về sự chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới nước ta vừa ký kết. Nhưng Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Axelle Nicaise cũng chỉ rõ, Việt Nam đang tiến hành nhiều đổi mới trong môi trường pháp lý, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị công. Trước khi phê chuẩn hiệp định này, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, gia nhập Công ước số 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Những chuẩn bị này đã giúp Việt Nam sẵn sàng thực hiện Chương về thương mại và phát triển bền vững trong EVFTA, giống như Nhật Bản và Canada đã thực hiện.

Số lượng luật, văn bản dưới luật cần sửa đổi để thực thi cam kết của EVFTA và EVIPA còn nhiều. Nhưng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao một số luật vừa được Quốc hội thông qua, góp phần thúc đẩy cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư, qua đó đón cơ hội tốt từ hiệp định. Cụ thể, nhằm nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định mở rộng phạm vi quyền của cổ đông, tạo điều kiện cho cổ đông bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, ngăn ngừa người quản lý lợi dụng phạm vi quyền hạn gây thiệt hại cho các cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ; nâng cao mức độ minh bạch. Dự kiến khi Luật có hiệu lực sẽ góp phần nâng cao mức xếp hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới về bảo vệ nhà đầu tư. Ngoài ra, để cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín đã bãi bỏ 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sửa đổi 24 ngành nghề, bổ sung 7 ngành nghề. Đến tháng 6.2020, các bộ, ngành đã hoàn thành thống kê, đăng tải quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý.    

Đẩy mạnh sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp

Bên cạnh hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để triển khai thực hiện hiệu quả hiệp định này, Phó Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Axelle Nicaise cho rằng, thách thức lớn nhất là đẩy mạnh sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp để họ tận dụng được các lợi ích do EVFTA mang lại, cũng như EVIPA sau khi được các nghị viện thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn. Trong đó, bà Axelle Nicaise lưu ý về việc tính toán đến sự sẵn sàng của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa để bắt nhịp các cơ hội từ EVFTA, EVIPA. Bởi, thực tế cho thấy, các doanh nghiệp quan tâm đến triển khai hai hiệp định này, song chưa thật chủ động nắm bắt, tận dụng các cơ hội do hai hiệp định này mang lại. Trong khi đó, doanh nghiệp khu vực tư nhân mới là yếu tố quyết định sẽ thực thi hai hiệp định này như thế nào, chứ không phải các nhà đàm phán.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ và các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần nghiên cứu 6 nhóm vấn đề khuyến nghị được các ĐBQH đưa ra khi thảo luận tại Hội trường về việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Chính phủ đã chuẩn bị để tiến hành Hội nghị chuẩn bị thực hiện EVFTA vào đầu tháng 8 tới. Nhưng các bộ, ngành không nên xây dựng kế hoạch thực hiện chung chung, thay vào đó dựa vào số đầu việc được Chính phủ giao cho mỗi bộ, ngành (Bộ Công thương có 15 đầu việc, Bộ NN - PTNT có 8 đầu việc…) cần xác định đầu việc nào làm trước, làm sau, làm thường xuyên.

Để tránh căn bệnh cố hữu trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến về hiệp định thương mại tự do, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoài Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý, các cơ quan chức năng cần phối hợp để xác định công tác tuyên truyền theo chiều rộng, bề nổi, chiều sâu, căn cơ sẽ như thế nào. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng cổng thông tin giống như một cẩm nang cho cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất, hộ kinh doanh, với thông tin được cập nhật thường xuyên, đưa hướng dẫn cụ thể.

Thảo luận về việc phê chuẩn các hiệp định này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) từng chỉ rõ, bên cạnh những lợi ích to lớn do EVFTA mang lại, hiệp định này cũng đặt ra nhiều tiêu chuẩn cao hơn so với những cam kết trong CPTPP. Ví dụ như, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản phẩm thì phải đạt tiêu chuẩn của EU hoặc là tối thiểu cũng phải đạt tiêu chuẩn của thế giới. Chúng ta đang phấn đấu đưa hàng nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa vào xuất khẩu ở nhiều nước, nhưng muốn vào thị trường châu Âu, đại biểu Hoàng Văn Cường lưu ý, nông sản Việt Nam phải đạt được tiêu chuẩn EUGAP hoặc tối thiểu cũng phải là GlobalGAP.

Doanh nghiệp là khu vực chính quyết định việc thực thi EVFTA và EVIPA như thế nào. Nhưng với nguồn lực tài chính và nhân lực còn hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, việc tìm hiểu và tận dụng được những ưu đãi của EVFTA và EVIPA đối với các doanh nghiệp này là thách thức rất lớn. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần tận dụng gói hỗ trợ kỹ thuật từ hiệp định để đổi mới công tác thông tin truyền thông, tập huấn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội và giảm thiểu bất lợi. Trong đó, cần tập trung vào văn bản tài liệu hướng dẫn về các khái niệm, quy định, lộ trình thực hiện các nội dung chi tiết như cắt giảm thuế xuất, nhập khẩu, chỉ dẫn địa lý, quy tắc xuất xứ, quy định về dịch vụ và đầu tư lao động, mua sắm Chính phủ, môi trường, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ. Đồng thời, mở rộng hoạt động tư vấn của các cơ quan nhà nước cho doanh nghiệp. Công tác thông tin truyền thông, tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tập trung vào các quy định về chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Lê Bình