Thái Bình: Hoàn thành tổ chức hoạt động 2 văn phòng trong Quý III

- Thứ Sáu, 14/08/2020, 11:10 - Chia sẻ
Theo ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, trong Quý III.2020, tỉnh Thái Bình sẽ hoàn thành kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự và tổ chức hoạt động của hai Văn phòng: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh.
Một góc thành phố Thái Bình

Để triển khai thành lập hai văn phòng nói trên theo đúng quy định của pháp luật và văn bản chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, bước đầu tỉnh Thái Bình thành lập hai văn phòng này trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh theo cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế của các Văn phòng trước khi hợp nhất. Về cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc sẽ được thực hiện sắp xếp lại khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn bản hướng dẫn của Văn phòng Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền. UBND tỉnh Thái Bình đã đề nghị kiện toàn ngay chức danh Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh.

UBND tỉnh Thái Bình khẳng định việc thành lập hai văn phòng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; Văn phòng UBND tỉnh) trên cơ sở tách Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh là rất cần thiết. Bởi việc thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh và UBND tỉnh được thực hiện từ ngày 1/1/2019, sau một thời gian tổ chức thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể, UBND tỉnh Thái Bình đánh giá, việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng ba Văn phòng trước đây mang tính chất nhập cơ học. Các bộ phận tham mưu, phục vụ của Văn phòng cơ bản không thay đổi so với trước khi hợp nhất, vẫn thực hiện nhiệm vụ như trước, chỉ thay đổi phương thức lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Riêng bộ phận hành chính - tổ chức, quản trị - tài vụ là thực hiện nhiệm vụ chung. Nên mục tiêu hợp nhất để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy trên thực tế chỉ giảm được một bộ phận, chưa đạt yêu cầu đề ra, giảm được số lượng Chánh Văn phòng, chưa giảm được Phó Chánh Văn phòng và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Về phương thức hoạt động, Văn phòng chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều chủ thể, do vị trí, vai trò, nội dung, tính chất, phạm vi hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh khác nhau nên khi làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc có lúc bị chồng chéo, chưa kịp thời. Sau khi hợp nhất, Chánh Văn phòng đảm nhận khối lượng công việc lớn nên việc chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ gặp khó khăn. Văn phòng vừa tham mưu UBND tỉnh xây dựng, thi hành chính sách, đồng thời lại tham mưu Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh ban hành chính sách giám sát thực thi chính sách, pháp luật, nên khó bảo đảm được tính khách quan. 

Trong công tác chuyên môn, các Phó Chánh Văn phòng có sự độc lập tương đối khi tham mưu, phục vụ đối với từng chủ thể cấp trên nên Chánh Văn phòng phải giữ vai trò điều hòa, phối hợp hoạt động giữa các Phó Chánh Văn phòng và các phòng, ban chuyên môn nên khó khăn trong việc phát huy vai trò người đứng đầu và chế độ thủ trưởng cơ quan.

Chánh Văn phòng là chủ tài khoản của cả ba nguồn kinh phí (Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh), tuy nhiên hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh có tính chất đặc thù, khác với UBND tỉnh nên một số nội dung lãnh đạo Văn phòng chưa bao quát được dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý tài chính, kế toán chung.

Hơn nữa, tại các Điều 18, 20, 6, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định "Chánh Văn phòng HĐND cấp tỉnh là ủy viên Thường trực HĐND tỉnh", "Ủy viên UBND tỉnh là người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh" và "thành viên của Thường trực HĐND tỉnh không đồng thời là thành viên của UBND cùng cấp". Nhưng khi thực hiện hợp nhất, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ không hướng dẫn về vai trò của Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh nên việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ mâu thuẫn với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo TTXVN