Thẩm định Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

- Thứ Ba, 15/09/2020, 17:56 - Chia sẻ
Ngày 15.9, Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ trì Hội đồng thẩm định với sự tham gia của nhiều bộ, ngành liên quan.

Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 5 chương 36 điều, trong đó Chương 2 quy định về những nội dung chính quyền cấp xã phải công khai cho nhân dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể, quy định về những nội dung thuộc phạm vi quyền dân chủ của nhân dân mà nhà nước (chính quyền cấp xã) phải đảm bảo thực hiện: Nội dung, hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được công khai để nhân dân được biết; nội dung hoạt động của chính quyền cấp xã cần phải được nhân dân thảo luận, biểu quyết, quyết định hoặc tham gia ý kiến và những nội dung, hoạt động nhân dân được quyền giám sát…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì cuộc thẩm định.

Phát biểu tại cuộc thẩm định, các đại biểu đánh giá cao sự chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở của Bộ Nội vụ đồng thời góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, một số điều cụ thể quy định trong Dự thảo Luật… Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Hạnh nhận định, Dự thảo có nhiều điểm nhấn trên cơ sở nâng cấp của các pháp lệnh như vấn đề mở rộng công khai thông tin, tạo thuận lợi tối đa nhất cho công dân, thể hiện được vai trò của nhân dân, của người dân địa phương cấp xã…

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhất trí với nội dung về sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là tiếp tục thực hiện các quy định Hiến pháp năm 2013 về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và bảo đảm quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân; thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở cở sở. Đồng thời, tiến hành đổi mới hình thức, phương thức thực hiện dân chủ cơ sở và bảo đảm hiệu quả thực chất của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị cần làm sâu sắc hơn dự thảo Tờ trình theo hướng làm rõ về thực trạng, tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở và các căn cứ về chính trị, pháp lý, thực tiễn của việc ban hành Luật. Trong Tờ trình cần thể hiện rõ nét mục tiêu ban hành Luật: tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, bảo đảm sự công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Đồng thời, Bộ Nội vụ căn chỉnh thêm Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện thực tiễn dân chủ cơ sở để đảm bảo được tính toàn diện và đầy đủ về thực hiện thực tiễn dân chủ ở cơ sở, cần nhấn mạnh sâu tới nội dung “dân bàn, dân làm dân kiểm tra” cũng như trách nhiệm của các chủ thể có liên quan cũng như chỉ rõ bất cấp cập của Pháp lệnh 34/2007.

Nguyễn Minh