Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn

- Thứ Ba, 29/09/2020, 13:26 - Chia sẻ
Sáng 29.9, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Trình bày Tờ trình dự án Luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Luật Công đoàn được Quốc hội thông qua ngày 20.6.2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật Công đoàn. 

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều; sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn hiện hành. Trong đó, về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung vào Điều 23 theo hướng Cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ công đoàn là cán bộ, công chức, viên chức theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Quy định này nhằm bảo đảm tính chủ động, độc lập cần thiết cho tổ chức công đoàn trong đào tạo, quy hoạch, bố trí và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ công đoàn trong bối cảnh tình hình thay đổi nhanh chóng.

Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam tại Điều 7 theo hướng: Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất bao gồm: cấp Trung ương là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cấp tỉnh, ngành Trung ương; cấp trên trực tiếp cơ sở; cấp cơ sở. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về từng cấp công đoàn. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trình bày Tờ trình dự thảo Luật

Các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật. Các đại biểu nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn một mặt phải thể chế các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trực tiếp liên quan đến giai cấp công nhân và quan hệ lao động trong tình hình mới, bảo đảm sự đồng bộ về nội dung và thời gian có hiệu lực của Bộ luật Lao động 2019; đặc biệt, phải đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người lao động, của thị trường lao động và thực sự góp phần thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định. Mặt khác, cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định đồng bộ, thống nhất với nội dung Đề án Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. 

Về hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn, các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy, các nội dung liên quan đến vấn đề tổ chức, bộ máy công đoàn đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cơ bản tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban và góp ý của các cơ quan, Bộ, ngành và nhất là ý kiến của Chính phủ. Tuy nhiên, hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang trình cơ quan có thẩm quyền Đề án “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới", nhiều nội dung trong Đề án có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Do đó, Ủy ban đề nghị, phải có ý kiến chính thức của cấp có thẩm quyền để Quốc hội xem xét, thảo luận và quyết định vấn đề này.

Toàn cảnh phiên họp Toàn thể lần thứ 18 của Ủy ban Về các vấn đề xã hội

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quy định về kinh phí công đoàn đã được quy định trong Luật Công đoàn 2012, là cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao. Một số đại biểu đề nghị, cần giải thích rõ căn cứ, cơ sở xác định mức đóng 2% trong Tờ trình. Việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn cần bảo đảm các nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm khắc phục những hạn chế thời gian qua; bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa tổ chức công đoàn với các tổ chức của người lao động khác, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới được phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo Bộ luật Lao động 2019, có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. 

Ngoài ra, các đại biểu cũng xem xét một số nội dung liên quan đến quyền thành lập, gia nhập, hoạt động công đoàn; quyền tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với người lao động ở cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở…

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại phiên họp; đề nghị các thành viên Ủy ban tiếp tục góp ý để Ủy ban xây dựng báo cáo thẩm tra chính thức dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười tới. 

Thanh Chi