Thành phố của gác chuông

- Thứ Hai, 01/11/2010, 00:00 - Chia sẻ
Praha trở thành thủ đô của Cộng hòa Séc vào năm 1993. Thành phố mang đầy đủ nét quyến rũ của châu âu trung tâm. Khi bạn có đủ thời gian, hãy dạo qua những con phố để chiêm ngưỡng Praha và sẵn sàng để… bị lạc.

Không khí của Praha được bao trùm bởi những con phố mang trong mình lịch sử, làm nên một Praha say đắm như ngày hôm nay mà vẻ đẹp và sự cuốn hút không thể khiến bất cứ ai làm ngơ. Kiến trúc baroc cùng với nghệ thuật mới mang lại cho Praha không khí lãng mạn khôn tả. Nếu đến Praha, bạn hãy khám phá thành phố bằng cách thả mình đi bộ giữa những di tích lịch sử được UNESCO xếp hạng di sản thế giới của vào năm 1992.

Lịch sử Praha trải dài 2000 năm, từ tập hợp của những thị trấn đến một thủ đô hiện đại ngày nay, qua thời kỳ hoàng gia Bohème, đế chế Charles IV, thời kỳ trị vì của triều đại Habsbourg và lịch sử hiện đại của Praha.

Cây cầu Charle bắc qua La Vltava là nơi đẹp và nổi tiếng nhất để ngắm nhìn Praha nhưng nó chỉ là một phần rất nhỏ. Bạn hãy tắm mình trong hơi thở của Praha từ khu phố cổ nơi có quảng trường trung tâm (Staremestke namesti) với rất nhiều gác chuông và mặt tiền theo trường phái baroc. Một chiếc đồng hồ rất lớn thời trung đại được xây dựng vào năm 1410 và thu hút hàng nghìn khách du lịch mỗi ngày. Những con phố nhỏ gần khu phố cổ sẽ dẫn bạn đến cây cầu Charles (Karluv Most) nổi tiếng, nơi trí tưởng tượng và sự mơ mộng sẽ đến với bạn, có thể là nhờ vào những bức tượng oai vệ nằm ở 2 bên lề hay hướng cái nhìn về lâu đài Prague (Hradcany). Bạn có thể đi dạo trong lâu đài, nơi có những khu vườn và nhà thờ Saint Guy, tác phẩm kiến trúc bậc thầy pha trộn giữa nghệ thuật gothic mới, nghệ thuật Phục hưng và baroc. Nếu quan sát Praha từ trên cao, bạn sẽ biết vì sao thành phố có tên gọi “thành phố của hàng trăm gác chuông”.

Khu phố mới (Nove Mesto) nằm ở quận 14. Quảng trường Venceslas sẽ thu hút sự chú ý của bạn. Quảng trường là một đại lộ lớn với những cửa hàng hiện đại, những di tích và những khách sạn theo trường phái Nghệ thuật mới. Phía trên đại lộ là Bảo tàng Quốc gia và tượng người cưỡi ngựa St Venceslas.

Praha đã từng được bầu là Thủ đô Văn hóa châu âu vào năm 2000. Thành phố là quê hương của nhà văn phúng dụ Franz Kafka, họa sỹ Alfons Mucha, nhà soạn nhạc Antoine Dvorak. Thành phố luôn trân trọng những di sản văn hóa được kế thừa. Praha có khoảng 700 bảo tàng để minh chứng cho văn hóa Séc. Bảo tàng Quốc gia nằm ở quảng trường Venceslas trưng bày nhiều bộ sưu tập về lịch sử Cộng hòa Séc và thủ đô Praha. Nơi đây lưu giữ một trong những bộ sưu tập đẹp nhất về khoáng vật học, động vật học và nhân loại học. Bảo tàng mở cửa vào tất cả các ngày từ 10 - 18h, trừ thứ ba đầu tiên mỗi tháng. Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại gồm 5 tầng dành để trưng bày các tác phẩm nghệ thuật ở thế kỷ XX và XXI, của các họa sỹ Séc và quốc tế. Mỗi tầng là một thời kỳ và bạn có thể mua vé theo tầng nếu bạn thực sự biết mình muốn xem gì. Giá vé cho cả 5 tầng là 160 couronnes (1 euro = 25 couronnes). Bảo tàng Alfons Mucha dành để trưng bày về cuộc đời và tác phẩm của họa sỹ, nhà hình họa theo trường phái Nghệ thuật mới Alphonse Maria Mucha, nổi tiếng với những áp phích về nữ diễn viên lớn người Pháp Sarah Bernhardt, tọa lạc tại cung điện Kaunic...

Với những người yêu âm nhạc, mùa thu Praha là nơi để bạn thưởng thức những buổi hòa nhạc của một trong những liên hoan âm nhạc lớn nhất trên thế giới. Từ năm 1946, mỗi năm, liên hoan bắt đầu từ ngày 12.5, đó cũng là ngày kỷ niệm ngày mất của nhà soạn nhạc người Séc Bedrich Smetana.

Hoàng Vân