Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV:

Thảo luận dự thảo Nghị quyết về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại thành phố Hà Nội

- Thứ Năm, 14/11/2019, 18:12 - Chia sẻ
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của QH về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội trong phiên họp chiều nay, một số ĐBQH khẳng định, việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội là chủ trương lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc. Vì vậy, QH cần ban hành Nghị quyết về vấn đề này nhằm bảo đảm cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đô thị, nông thôn. Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến đề nghị xem xét thận trọng vấn đề này.
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu 
Ảnh: Quang Khánh

Nêu quan điểm về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và Chủ tịch UBND phường, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị làm rõ tính chất của UBND phường, vì Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết có sự mâu thuẫn. Theo Tờ trình, tại nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội thì UBND phường không còn là một cấp quy hoạch, một cấp ngân sách, mà chỉ là một đơn vị dự toán ngân sách thuộc UBND quận, thị xã. UBND phường lúc này chỉ là cơ quan đại diện, “cánh tay nối dài” của UBND quận, thị xã đặt tại phường.

Tuy nhiên, tại Điều 5 dự thảo Nghị quyết lại nêu, UBND phường nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc UBND quận, thị xã đặt tại phường, thực hiện các nhiệm vụ hành chính nhà nước, cung cấp các dịch vụ công theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã; bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở.

Quy định như vậy “không rõ địa vị pháp lý của UBND phường ở nơi không tổ HĐND phường, rất khó xác định thẩm quyền của UBND và Chủ tịch UBND trong quản lý hộ tịch, đất đai, quan hệ pháp luật trong xử phạt hành chính...”. Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Tạo đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm về vị trí, địa vị pháp lý, thẩm quyền, chế định đối với UBND và Chủ tịch UBND phường tại nơi không tổ chức HĐND phường.

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu 
Ảnh: Quang Khánh

Trích dẫn quy định của Hiến pháp năm 2013, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, Điều 110 Hiến pháp quy định, phường là một cấp đơn vị hành chính; và theo Điều 111, chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước CHXHCN Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Bên cạnh đó, Điều 114 Hiến pháp cũng quy định, UBND ở cấp chính quyền địa phương do HĐND cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của HĐND, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.

Như vậy, “UBND là cơ quan song trùng thực thuộc”. Theo chiều dọc, UBND là cơ quan cấp dưới trực tiếp của UBND cấp trên, còn theo chiều ngang là cơ quan chấp hành của HĐND, bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, xuyên suốt của nền hành chính quốc gia. Vì lẽ đó, ĐB Lê Thanh Vân cho rằng, việc thí điểm không tổ chức HĐND phương tại TP Hà Nội thì không thể gọi UBND phường là cơ quan nhà nước theo đúng nghĩa chính quyền địa phương. Do liên quan đến nhiều điều, khoản của Hiến pháp hiện hành, ĐB Lê Thanh Vân đề nghị, “cần xem xét thận trọng dự thảo Nghị quyết này”.

Ủng hộ chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính, song ĐB Lê Thanh Vân cũng nêu rõ, thực tiễn hoạt động của HĐND phường ở các đô thị được đánh giá không phát huy hiệu quả là do HĐND cấp này được trao quyền nhưng không được bảo đảm các điều kiện hoạt động. Vì thế, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần báo cáo thật rõ vì sao cơ quan dân cử phường chưa hoạt động hiệu quả, dẫn tới việc thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), phát biểu 
Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), chính quyền địa phương cấp phường là cấp gần dân nhất. Cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong mô hình chính quyền đô thị khác với chính quyền địa phương ở nông thôn chính là ở tăng cường tính dân chủ, ĐB đề nghị, nếu bỏ thì nên bỏ cấp trung gian không cần thiết, cụ thể ở đây là cấp quận, chứ không phải cấp phường.

Một số ý kiến khác cho rằng, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân là rất quan trọng, với nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, và phải được đề cao ở mô hình chính quyền đô thị. Việc không tổ chức HĐND phường sẽ làm ảnh hưởng đến quyền này của nhân dân. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ cơ chế kiểm soát quyền lực cũng như cách thức thực hiện quyền đại diện của người dân khi không tổ chức HĐND phường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung việc xem xét thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội 
Ảnh: Quang Khánh

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, việc xem xét thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội dựa trên nguyên tắc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tiễn. Cấp chính quyền địa phương phải bao gồm UBND và HĐND, còn nơi nào không phải cấp chính quyền địa phương thì có thể là UBND hoặc một cơ quan hành chính nhà nước.

Các ĐBQH cũng cho rằng vấn đề cốt lõi trong đổi mới tổ chức chính quyền địa phương là việc sắp xếp lại nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức và đổi mới phương thức hoạt động của HĐND, UBND ở từng loại đơn vị hành chính cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, chứ không chỉ là việc không tổ chức HĐND ở phường hay ở bất kỳ một đơn vị hành chính nào.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo, giải trình làm rõ các nội dung ĐBQH nêu
Ảnh: Quang Khánh

Tại Phiên họp, QH đã nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo, giải trình làm rõ các nội dung ĐBQH nêu.

+ Trước đó, đầu giờ chiều nay, QH đã nghe Tờ trình, Báo cáo thuyết minh và Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Thanh Chi