Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Yên Bái

Nhanh chóng đưa nền kinh tế phục hồi

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:54 - Chia sẻ
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Yên Bái Khóa XVIII diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tìm hướng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong đó, có các giải pháp hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Thúc đẩy nông, lâm nghiệp phát triển

Có thể thấy, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh và đồng lòng của Nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp, Yên Bái đã tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa từng bước phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Tốc độ tăng tổng sản phẩm toàn tỉnh 6 tháng đầu năm đạt 3,8%, một số lĩnh vực tăng so với cùng kỳ, đặc biệt kết quả sản xuất nông lâm nghiệp có mức tăng cao so với các tỉnh trong khu vực. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công các sự kiện chính trị quan trọng như: Đại hội Đảng cấp cơ sở; lễ kỷ niện 120 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và đón Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Giàng A Câu phát biểu tại phiên thảo luận

Tham gia phát biểu ý kiến, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho rằng: Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2020, tỉnh cần tiếp tục thực hiện quyết liệu đồng bộ hiệu quả các nhóm giải pháp phòng chống dịch Covid-19 sao cho phù hợp với trạng thái bình thường mới. Đồng thời, tập trung cao độ các nhóm giải pháp phát triển kinh tế, chống suy thoái kinh tế. Đại biểu cũng đề nghị tỉnh sớm thành lập Ban quản lý Danh thắng cấp Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải và tiến hành cắm mốc ranh giới khu vực di tích để đưa vào quản lý; đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng để thu hút đầu tư. Đặc biệt, tỉnh cần tiếp tục triển khai các giải pháp kinh tế để bù đắp thiệt hại trên 45 tỷ đồng của ngành du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, triển khai mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ du lịch, tích cực hưởng ứng Chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”.

Xoay quanh vấn đề làm thế nào để thúc đẩy lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Nguyễn Thế Phước cho biết: Trước sự bùng phát của dịch Covid-19 có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng và còn dư địa để phát triển, bù đắp cho những suy giảm của những lĩnh vực khác. Bởi vậy, để phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp cần kiên trì và quyết liệt thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; phát triển nhanh, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ngoài ra, phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.

Ở góc độ khác, nhiều đại biểu cho rằng: Tỉnh cần kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm; đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án chính sách phát triển nông lâm nghiệp. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND về một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid-19, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn, nhiều đại biểu cho rằng: Thời gian qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, HTX. Cụ thể, sản xuất chế biến lâm sản bị sụt giảm mạnh do các nước trên thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp siết chặt kiểm soát, hạn chế xuất nhập cảnh; sản xuất công nghiệp, xây dựng bị ảnh hưởng lớn đối với một số lĩnh vực, ngành hàng như công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, may mặc, chế biến nông lâm sản. Riêng ngành dịch vụ chịu tác động mạnh và bị thiệt hại nặng nề nhất. Quý I.2020, số lượng khách du lịch giảm gần 60%, doanh thu giảm trên 58%...

Trước những thực tế đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Minh Toàn cho rằng: Tỉnh cần tập trung khuyến khích phát triển mạnh các thành phần kinh tế, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân, HTX, hộ kinh doanh cá thể. Đồng thời, cần quan tâm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về thủ tục hành chính, nhất là về đất đai, thuế, thủ tục hải quan; có phương án bảo đảm cung cấp điện cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tỉnh cũng cần chủ động nắm bắt, tận dụng các làn sóng đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, chỉ đạo làm tốt công tác thẩm định, bảo đảm thu hút, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, uy tín, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với định hướng của tỉnh.

Xoay quanh những giải phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Tỉnh cam kết sẽ tháo gỡ khó khăn và đồng hành với doanh nghiệp. Để làm tốt điều này, đề nghị các cấp, ngành triển khai kịp thời, đầy đủ các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng theo các nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương và các chính sách của tỉnh. Đồng thời, thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng. Đặc biệt, các sở, ngành cần tập trung triển khai các giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp; hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm hồ sơ đề nghị miễn giảm, giãn thời gian nộp thuế; hỗ trợ miễn tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho các doanh nghiệp khó khăn, triển khai các gói vay mới với mức lãi suất hỗ trợ.

Cũng tại kỳ họp, đối với Dự thảo Nghị quyết về việc ban hành một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, về mức thu phí 20.000 đồng/người/lượt quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 2 về thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa, bảo tàng, đại biểu đề nghị có thể nghiên cứu, xem xét quy định mức giá khung để từng địa phương căn cứ điều kiện thực tế quy định cụ thể sẽ phù hợp và khả thi hơn.

Diệp Anh - Trần Tâm