Thấu hiểu thời đại để thay đổi, thích ứng

- Thứ Năm, 22/11/2018, 08:26 - Chia sẻ
Trong bối cảnh xã hội phát triển, chúng ta cần thích ứng nhanh hơn. Triết lý giáo dục cũng cần được tiếp cận đa chiều, nên chăng mổ xẻ từng quan điểm và xem nó chi phối thế nào nền giáo dục của chúng ta. Để nhận ra cái quan trọng nhất của việc thực thi giáo dục là luôn biết phải làm gì và đang thiếu những gì để thay đổi.

Giáo dục không phải việc riêng của một ngành

Ngành giáo dục hay cụ thể là các đơn vị thực hiện chức năng giáo dục dựa trên chuẩn mực để làm một phần việc cơ bản, còn thực thi giáo dục phải hiểu theo nghĩa rộng, đó là việc mang tính xã hội, liên quan đến đa ngành, đến mỗi gia đình, địa phương. Giáo dục thành công đặt trong các yếu tố: Thứ nhất, đơn vị thực hiện chức năng giáo dục, cụ thể là ngành giáo dục - đào tạo thích ứng nhanh với sự phát triển của xã hội, mục tiêu mà quốc gia đặt ra. Thứ hai, nhận thức tế bào gốc của giáo dục là gia đình, gia đình là nơi thực thi giáo dục sớm nhất, thường xuyên nhất đối với mỗi người. Thứ ba, giáo dục mang tính cá nhân, mỗi người có tâm thế coi việc học là quá trình cá nhân để hòa nhập xã hội, thể hiện cái tôi - với trách nhiệm chủ nhân của quốc gia. Quá trình vận động để ba yếu tố này đồng thuận, đồng lòng, càng ít va đập, ít trái ngược thì càng thành công, nghĩa là tạo ra hệ toàn thể bao gồm thể chất, tinh thần, lý tưởng, trách nhiệm công dân, nghề nghiệp, toàn xã hội cùng vận hành giáo dục.


Chúng ra đang gặp khó khăn trong thực hành giáo dục. Tuy chưa có một khảo sát chính thức nhưng thông qua tiếp xúc trong công việc của mình, tôi thấy nhiều gia đình đang gặp khó khăn trong định hình mục tiêu giáo dục cho con em họ. Vì chúng ta “bao cấp” một mô hình giáo dục quá lâu, trong khi đất nước đã mở cửa, xu thế toàn cầu hóa là một yêu cầu đối với mỗi gia đình khiến họ đứng trước nhiều lựa chọn, trong khi họ chưa có tâm thế cho sự lựa chọn đó. Đương nhiên, quá trình đó sẽ cho thấy những lựa chọn cá nhân khá phù hợp với lựa chọn của xã hội, nhưng không phải tất cả. Đại đa số gia đình vẫn nghĩ con em nên có một công việc ổn định nhưng lại quên mất bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng. Chẳng hạn, cách đây 20 năm, một nghiên cứu ở Mỹ đã công bố trung bình mỗi người sẽ làm 10 công việc khác nhau trong đời, tức là một nghề nghiệp có đời sống rất ngắn, để thích nghi, con người phải thay đổi công việc thường xuyên. Ngày nay, ở Việt Nam bắt đầu câu chuyện đó, việc học để lấy nghề, để có sự nghiệp đã thay đổi. Đó chỉ mới tiếp cận lĩnh vực đào tạo, còn giáo dục lại rộng hơn cả thế, nhân cách con người, những nhận thức, hành vi của họ ngày càng linh hoạt theo sự biến đổi khôn lường của đời sống xã hội.

Thực hành giáo dục rất ngắn

Các mô hình giáo dục luôn thay đổi. Trước đây, chúng ta xây dựng trường chuẩn, mô hình chuẩn, nhưng giờ những chuẩn mực đó không đủ, và cần thay đổi nhanh hơn. Xuất phát từ tính đa dạng của xã hội, các kênh, các cách thực thi giáo dục, các thành phần tham gia giáo dục cũng trở nên đa dạng. Trước đây chúng ta chỉ nghĩ đến người dạy là những giáo viên, bây giờ có cả robot tham gia dạy học (ở Việt Nam, điều đó đã phổ biến ở các trung tâm dạy tiếng Anh). Trước đây chúng ta chỉ biết đến giáo trình là những cuốn sách, bây giờ còn phim, video… cũng trở thành giáo trình, internet cũng có thể là một “lớp học”, một “trường học”. Vì thế, bàn về giáo dục nên tập trung vào thay đổi nhận thức của xã hội, của mỗi người, chứ đừng đặt gánh nặng lên nhà quản lý. Bản chất triết lý mang tính triết học, thuộc vấn đề của khoa học xã hội, thậm chí hàng nghìn năm mới đúc kết ra được, tôi cần sự thấu hiểu thời đại để thích ứng là hơn cả.

Vận hành bằng sự thích ứng, việc đầu tiên hãy cởi mở, và tư duy đồng thuận ở điểm: Tôn trọng và phân quyền cho địa phương, cho nhà trường khiến họ tự chủ bằng trách nhiệm, chịu trách nhiệm. Đây là mô hình gần như rất thành công ở rất nhiều quốc gia trong quản lý dựa vào nhà trường. Không áp đặt, tính chịu trách nhiệm cao hơn, sự thấu hiểu cũng sẽ cao hơn. Đặc biệt, cần tăng vai trò trách nhiệm của giáo dục gia đình. Chúng ta cũng cần chấp nhận mô hình giáo dục mở, chấp nhận quyền quyết định giá trị giáo dục không chỉ nằm ở nhà trường mà có sự tác động của đa yếu tố. Như thế sẽ nhận ra trách nhiệm chuẩn bị và cùng giáo dục của cá nhân, gia đình và các lực lượng xã hội.

Khó có lối đi chung

Tính thực tiễn đòi hỏi sự thích ứng vì thế khó có một lối đi chung cho mỗi người. Nói rằng muốn làm giáo dục thì phải có kim chỉ nam, cái đó đúng, nhưng mỗi cá nhân thì cần cụ thể hơn rất nhiều. Khi chúng ta bàn về triết lý, thì rất có thể, loanh quanh một hồi, thì thời đại đã qua mất. Nếu chỉ biết theo khuôn mẫu, cố gắng cho ra một chân dung điển hình mà không dựa trên thực tế thì có thể dẫn đến sự lúng túng cho những người thực hành giáo dục. Mỗi người, mỗi gia đình tham gia giáo dục sẽ thực hiện triết lý theo cách phù hợp với mục tiêu, hoàn cảnh riêng. Tôi cho rằng, cái thiếu của chúng ta hiện nay là một chất keo trong giáo dục - chất keo thấu hiểu để đáp ứng sự thay đổi quá nhanh của xã hội. Nên nhận thức từ sự phản ánh thực tiễn của các hệ giá trị chứ không phải trong một vài câu từ. Với tôi cái quan trọng nhất hiện nay là luôn biết mình đang phải làm gì và đang thiếu những gì để thay đổi phù hợp với thời đại.

PGS. TS. Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
Lê Thư ghi