Thay đổi cách tiếp cận trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Thứ Ba, 14/07/2020, 14:40 - Chia sẻ
Kết thúc đợt giám sát về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Thường trực HĐND thành phố nhận định, bên cạnh một số kết quả, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ. Trong đó, cần thay đổi cách tiếp cận với lao động để đào tạo đúng nhu cầu thực tiễn; cập nhật chương trình đào tạo thường xuyên và đẩy mạnh kiểm soát chặt chẽ chương trình đào tạo...

Khó khăn từ thực tiễn

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Nhàn, mặc dù ngành có nhiều cố gắng trong công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tham mưu cho thành phố ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ đào tạo nghề hàng năm phù hợp với nhu cầu của từng địa phương; song thực tế kết quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố đã tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho 76.203 người, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt 88,46%, nhưng có đến 76,69% lao động tự tạo việc làm sau học nghề.

Bí thư Đảng ủy xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) Phương Văn Liểu nêu nguyên nhân, thực tế, thời gian đào tạo theo chương trình đào tạo sơ cấp được thành phố phê duyệt 3 tháng tại một số địa phương chưa phù hợp. Hiện tại, đào tạo nghề nông nghiệp thời gian trên là quá dài, còn đối với đào tạo nghề phi nông nghiệp thì lại quá ngắn, dẫn đến người lao động sau đào tạo nghề không đáp ứng được với yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Bà Hoàng Thị Thúy Hằng, Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, giám sát cho thấy, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa gắn với phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Đơn cử như ở huyện Sóc Sơn có yếu tố phát triển công nghiệp, đầu mối về giao thông có tuyến đường Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Quảng Ninh và cả khu du lịch tâm linh, nhưng tỷ lệ đào tạo phi nông nghiệp chỉ đạt gần 10%.

Ở huyện Mê Linh cũng có tiềm năng về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, huyện tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp 29 lớp với 990 học viên, nhưng chỉ có 6,76% lao động được tuyển dụng vào các doanh nghiệp. “Thực tế, lao động vào các doanh nghiệp làm chỉ đáp ứng được những công việc đơn giản, thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống, dẫn đến tự ý thôi việc” - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Đổi mới cách tiếp cận lao động

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhận định, để công tác đào tạo nghề đạt kết quả như mong muốn, cần phải có cách tiếp cận mới, phù hợp với từng địa phương, ngành nghề chuyển đổi theo thực tế. 

“Thu thập thông tin thị trường lao động, từ đó khảo sát nhu cầu học nghề, sau đó tuyên truyền, tư vấn kỹ là giải pháp quan trọng đối với chính quyền cơ sở, nhưng vấn đề này các địa phương triển khai chưa thực chất. Đặc biệt, bố trí giáo viên đào tạo nghề một số nơi chưa đáp ứng chuyên môn, cán bộ quản lý công tác đào tạo nghề ở các phòng, ban cấp huyện thiếu, yếu, vì thế, thời gian tới cần tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này”- bà Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh.

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quốc Oai Bùi Tiến Thành cho rằng, vấn đề vốn cho lao động sau học nghề cũng rất quan trọng, nhưng thực tế nguồn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Năm 2020, huyện được thành phố bố trí 46 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm, nhưng nhu cầu lao động cần vay tăng hơn. Vì thế, thời gian tới, thành phố bổ sung thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu lao động sau học nghề vay giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bà Đỗ Thị Tý (xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai) cho rằng, một số lao động học nghề chăn nuôi gia cầm với hình thức trang trại lớn, nhưng học xong chưa được bố trí nguồn vốn vay, nên cũng nản. Vì vậy, rất mong chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để 100% người lao động sau học nghề có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương (thành viên Ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố), để công tác đào tạo nghề đi vào thực chất, thời gian tới, cần phải phân tích rõ động lực học nghề của các đối tượng hiện nay? Lý giải được vì sao doanh nghiệp không mặn mà tuyển dụng lao động sau đào tạo, hoặc liên kết trong đào tạo nghề, từ đó mới có giải pháp căn cơ.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, thời gian tới, ngành sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát về công tác tổ chức lớp đào tạo nghề với mục tiêu học đúng đối tượng. Trong đó, sẽ phối hợp rà soát nhu cầu học nghề của người lao động với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, tổ chức lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ và doanh nghiệp trên địa bàn.

“Để hiệu quả hơn nữa, đề nghị Trung ương và thành phố nghiên cứu điều chỉnh nâng mức hỗ trợ tối thiểu cho lao động nông thôn để nâng cao chất lượng học nghề; đồng thời miễn học phí cho lao động có nhu cầu học trình độ cao đẳng, trung cấp, để thu hút lao động tham gia học nghề, tạo nguồn nhân lực có chất lượngg, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh.

PHI LONG