Đào tạo, cấp giấy phép lái xe

Thay đổi đầu mối quản lý sẽ phát sinh nhiều vấn đề

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:53 - Chia sẻ
Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, năm 1995, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc rất kỹ mới quyết định chuyển chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông - Vận tải. Nay một lần nữa chuyển lại cho Bộ Công an quản lý liệu có ổn không? Theo ông Liên, việc thay đổi đầu mối quản lý sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề, đặt ra nhiều câu hỏi cả về nhân lực, chi phí, thủ tục…

Chuyển về Bộ Công an có ổn không?

Đề xuất chuyển chức năng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông - Vận tải như hiện nay sang Bộ Công an (phương án 1) đang được Chính phủ đưa ra trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Cụ thể, tại Tờ trình về dự án Luật này, Chính phủ cho biết, lý do đưa ra phương án 1 là người điều khiển phương tiện giao thông vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân tố chính gây mất an toàn giao thông. Do đó, để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phải quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe và sau khi được cấp giấy phép lái xe…

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Mặt khác, điều khoản này được xây dựng trên cơ sở tham chiếu Công ước Viên về Giao thông đường bộ năm 1968 và tham khảo luật của nhiều nước trên thế giới (mô hình thành công nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc). Ngoài ra, phương án 1 sẽ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, Chính phủ trình phương án 2, theo đó việc đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe tiếp tục thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải. Theo phân tích tại Tờ trình, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ, phát triển vận tải đường bộ phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Tờ trình cho biết, đa số thành viên Chính phủ chọn phương án 1. Tuy vậy, các chuyên gia lại tỏ ra rất băn khoăn về đề xuất chính sách này.

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng, tai nạn giao thông phụ thuộc nhiều yếu tố như: thói quen, sự tùy tiện trong nhận thức và hành xử của người điều khiển phương tiện; tình trạng giao thông đa phương tiện kiểu “tổ kiến” ở nước ta… Vì vậy, việc quy hết nguyên nhân gây tai nạn do sát hạch, cấp giấy phép lái xe là chưa đúng.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho biết, trước đây, Bộ Công an đã quản lý việc này nhưng thực tế cũng để xảy ra nhiều chuyện lộn xộn, bất cập và gây khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Năm 1995, Quốc hội, Chính phủ cân nhắc rất kỹ mới quyết định chuyển chức năng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông - Vận tải. “Nay một lần nữa chuyển lại cho Bộ Công an quản lý liệu có ổn không?” Nếu thay đổi đầu mối quản lý sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Chẳng hạn: nguồn nhân lực đang phục vụ trong lĩnh vực này sẽ chuyển đi đâu, trong khi ngành công an lại phải xây dựng một đội ngũ mới và cơ sở vật chất mới. Liệu việc chuyển đầu mối quản lý có làm phát sinh thủ tục hành chính và tốn kém chi phí của doanh nghiệp không?...

Nên tập trung nâng chất lượng đào tạo, cấp giấy phép

Theo ông Liên, vấn đề lớn nhất hiện nay là cần có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe, khắc phục được những hạn chế chứ không phải chuyển sang một cơ quan khác quản lý.

Cùng quan điểm, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng trong điều kiện hiện nay, chưa nên vội chuyển đầu mối quản lý mà quan trọng là chấn chỉnh, nâng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Cũng theo ông Sơn, giao cho bộ nào quản lý việc này cần phải bám vào chức năng, nhiệm vụ, vai trò của bộ đó. 

“Ngành công an nhiệm vụ chính là bảo đảm an ninh trật tự, còn vấn đề an toàn giao thông chỉ là một phần của an ninh trật tự, vì vậy nên giao cho Bộ Giao thông - Vận tải quản lý như hiện nay”, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội phân tích. Ông Cường cũng cho rằng, chuyển đầu mối quản lý chưa chắc đã hạn chế được những bất cập, tiêu cực hiện nay, thay vào đó phải tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng chất lượng đào tạo, cấp giấy phép lái xe.

Theo ông Cường, những hạn chế hiện nay trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hoàn toàn có thể khắc phục được. Chẳng hạn, Bộ Giao thông - Vận tải cần có văn bản quy định chặt chẽ về điều kiện cơ sở vật chất (sân bãi, phương tiện) của đơn vị đào tạo lái xe; đồng thời, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động. Nếu Bộ Công an vẫn muốn quản lý thì phải có luận giải rõ ràng và phải thuyết phục được rằng: có những vấn đề Bộ Giao thông - Vận tải không thể thực hiện được, nhưng sang Bộ Công an quản lý sẽ hiệu quả hơn, hợp lý và có tính khả thi cao hơn.

Việc xử lý trường hợp giấy phép bị cơ quan công an giữ nhưng cơ quan giao thông vận tải cấp phép lại cũng rất đơn giản. “Việt Nam đang triển khai Chính phủ điện tử, dịch vụ công quốc gia, thành phố thông minh… Chúng ta áp dụng công nghệ thông tin để quản lý thì chắc chắn sẽ có mạng nội bộ hoặc kết nối dữ liệu giữa 2 bộ để nắm bắt kịp thời, chứ không nhất thiết phải thay đổi đầu mối quản lý mới làm được việc này”, ông Cường phân tích.

Tuệ Anh