Mất cân bằng giới tính khi sinh

Thay đổi định kiến giới

- Thứ Bảy, 26/09/2020, 08:22 - Chia sẻ
Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, theo các chuyên gia, giải pháp then chốt là tăng cường công tác bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân. Mặt khác, cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Tìm nguyên nhân cơ bản

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra về tỷ số giới tính khi sinh cho thấy, tỷ số giới tính khi sinh của nước ta vẫn chưa trở về mức tự nhiên (105 - 107 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái) dù đã có nhiều giải pháp được triển khai thực hiện. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, chỉ số phản ánh cân bằng giới tính của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên.

Cụ thể, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 115,1 bé trai/100 bé gái, tăng 3% so với năm 2017; năm 2019 con số này là 111,5. Điều đó cho thấy, những cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh và biện pháp quyết liệt thực hiện các chính sách nhằm xóa bỏ sự can thiệp có chủ đích trong lựa chọn giới tính chưa đem lại hiệu quả, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh chưa được khắc phục.

Theo Chuyên gia giới và nhân quyền, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) Hà Thị Quỳnh Anh, chính định kiến giới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đó là các suy nghĩ, quan niệm thiên lệch về giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình và trong xã hội. Chẳng hạn, định kiến nội trợ là việc của phụ nữ, không phải việc của nam giới hay nam giới được coi là trụ cột và là người kiếm tiền chính trong gia đình.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội Khuất Thu Hồng cũng cho biết, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo với nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tục “trọng nam, khinh nữ”, với quan niệm chỉ có con trai mới có thể gánh vác trọng trách thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Những quan niệm này đã hình thành từ lâu đời, lâu dần tạo nên những suy nghĩ cố hữu về vai trò, khả năng, loại công việc mà phụ nữ và nam giới có thể thực hiện.

Hướng tới mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên  

Nguồn: ITN 

Cần giải pháp then chốt 

Định kiến giới được biểu hiện ngay trong sự bất bình đẳng giới ở các hoạt động dân số - kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản. Điều này biểu hiện ở vai trò của nam giới tham gia kế hoạch hóa gia đình còn hạn chế, mà người phụ nữ được coi là phải chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Đơn cử như việc có hay không sử dụng biện pháp tránh thai để giãn khoảng cách sinh; mang thai khi nào, sinh bao nhiêu con, hay không sinh con cũng thường do người chồng hoặc gia đình chồng quyết định.

Phó Trưởng khoa Quản lý nhà nước về xã hội, Học viện Hành chính Quốc gia Tạ Hương cũng cho biết, định kiến giới còn thể hiện ngay trên thị trường lao động và trong thu nhập. Biểu hiện là các chủ doanh nghiệp thích tuyển lao động là nam giới hơn và thường e ngại ký hợp đồng lao động với nữ lao động trẻ vì liên quan đến kết hôn và sinh đẻ nghỉ thai sản. Điều này dẫn đến thu nhập của phụ nữ chỉ bằng khoảng 50 - 90% thu nhập nam giới; trong khi tại châu Phi, châu Á, trung bình một tuần phụ nữ làm việc nhiều hơn nam giới 12 - 13 giờ. Riêng tại Việt Nam, phụ nữ nông thôn làm việc trung bình 14 giờ/ngày và hưởng ít hơn 20 - 40% thu nhập của nam giới.

Sự khác biệt về vai trò, trách nhiệm, vị thế và quyền hạn của nam và nữ mà xã hội tạo dựng đã gây ra những điều bất lợi cho cả hai giới. Chính vì vậy, một bộ phận người dân đã tìm mọi cách để sinh con trai, thậm chí tìm mọi phương pháp để biết được giới tính thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ, hoặc áp dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi trước cả khi mang thai.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú, mất cân bằng giới tính khi sinh là một vấn đề đáng báo động, gây ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới tình trạng dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ. Về lâu dài, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ, làm gia tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình...

Để đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, giải pháp then chốt là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; từ đó chấm dứt quan niệm ưa thích con trai và không coi trọng giá trị của trẻ em gái. Mặt khác, cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái. 

Nhật Phương