Thay đổi tư duy về kiểm soát an ninh nguồn nước

- Thứ Ba, 18/08/2020, 05:27 - Chia sẻ
Không hẹn mà gặp, nhiều đại biểu Quốc hội tham dự Hội nghị giải trình “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức sáng qua đã nêu hiện tượng thiếu nước, hạn hán xảy ra ở nhiều khu vực. Đây chỉ là một trong nhiều thách thức đang đặt ra với quản lý và an ninh nguồn nước ở nước ta. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu.

Bốn bề sông nước nhưng luôn đối mặt với... thiếu nước

Đây là thực trạng đang xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đưa ra tại Hội nghị. Theo Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Lệ Thủy, khu vực ĐBSCL bốn bề sông nước nhưng lại liên tục đối mặt với tình trạng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn. Tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc thiếu các công trình dự trữ nước mang tính liên tỉnh, liên vùng, thậm chí vùng tứ giác Long Xuyên - vùng trũng nhất của khu vực, chưa được tận dụng, khai thác như một khu dự trữ nước tự nhiên cho ĐBSCL. Trước sự bất hợp lý này, Ủy viên Thường trực Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra giải pháp để thích ứng với sự thay đổi không theo quy luật của nguồn nước khu vực ĐBSCL.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình tại hội nghị.
Ảnh: Trung Thành

Cùng mối quan tâm, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Xuân Hùng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL.

Bên cạnh câu chuyện thiếu nước ở khu vực bốn bề sông nước như ĐBSCL là một nghịch lý thu hút sự chú ý của ĐBQH, cử tri, người dân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đinh Duy Vượt cũng đau đáu với vấn đề của khu vực Tây Nguyên. Đại biểu Đinh Duy Vượt nhận thấy, cấp nước cho khu vực nông thôn tại Tây Nguyên mới đạt trên 40%, thậm chí nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh do Bộ Y tế ban hành còn ở mức thấp hơn, chủ yếu sử dụng nước ngầm tự nhiên. Nhu cầu nước tưới cũng chỉ đáp ứng được 28% - là mức rất thấp. Căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, cho duy trì dòng chảy khi nguồn nước không ô nhiễm, đại biểu Đinh Duy Vượt chỉ rõ, trong giai đoạn 2020 - 2030, khu vực Tây Nguyên được nhận định sẽ thiếu hụt lượng nước rất lớn và là nguyên nhân khiến năm nào cũng bị hạn khốc liệt, gây thiệt hại lớn cho sản xuất.

Trước thực tế của một khu vực giàu tiềm năng song vẫn khó khăn trong phát triển, đại biểu Đinh Duy Vượt đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về định hướng cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt nói riêng, cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước ở khu vực này. Và không dừng ở việc nêu ra giải pháp chung chung, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá tính khả thi về nguồn lực thực hiện, các giải pháp đưa ra.

Sản xuất đang được tổ chức lại

Giải trình về những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra đối với khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hoạt động ở phía thượng nguồn và phát triển sản xuất nhanh, khai thác tài nguyên cát, nước ngầm không theo quy hoạch đã gây ra những hiện tượng như các đại biểu đã phản ánh. Tuy nhiên, trước những bất cập, hạn chế nêu trên, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, có đầy đủ các nhóm giải pháp, đưa ra kịch bản tổng thể cho toàn khu vực.

“Tinh thần chung là xoay trục sản xuất. Nếu như trước kia ĐBSCL dựa vào nguồn nước ngọt nhiều, trồng lúa đặt lên hàng đầu, sau đó là trái cây và thủy sản. Tới đây, chúng ta xoay trục lại là thủy sản được đặt lên đầu, vì nước ngọt, nước lợ hay nước mặn đều có thể phát triển thủy sản. Cân đối nguồn nước ở 3 khu vực thượng, trung và hạ nguồn để thích ứng với cơ cấu sản xuất, xác định không gian sản xuất. Phát triển thủy sản cũng thích ứng với thị trường. Thế giới tới đây cần nhiều thủy sản, trái cây, nhu cầu lúa gạo sẽ giảm dần", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Không dừng ở định hướng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất đang được thực hiện quyết liệt, ngay cả địa phương đầu nguồn là An Giang cũng đang chuyển theo hướng này và chứng tỏ hiệu quả. Các công trình thủy lợi lớn đã và đang được đầu tư xây dựng, đầu tư lớn, như hệ thống cống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé có phạm vi kiểm soát hàng trăm nghìn héc ta đất sản xuất.

Từ góc độ ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, các hiện tượng được ĐBQH đưa ra đã được khắc phục bài bản. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu, đánh giá toàn diện về tác động kép của biến đổi khí hậu, hoạt động từ đầu nguồn, mô hình phát triển kinh tế chưa bền vững; xây dựng hệ thống giải pháp khắc phục các vấn đề đang đặt ra với khu vực ĐBSCL. Chính phủ đã thành lập Ủy ban sông Mekong Việt Nam do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch để chỉ đạo việc bảo vệ hệ thống sông tại khu vực này, tăng cường sự phối hợp liên ngành. Đồng thời, ban hành danh mục các dự án liên quan, trong đó, có dự án chuyển đổi quy mô lớn về phát triển kinh tế cho phù hợp với tình hình thực tế.

Với Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước tác động của biến đổi khí hậu, khu vực này không chỉ đối mặt với hiện tượng hạn hán như đại biểu Quốc hội đưa ra, mà còn sẽ phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với lũ lụt. Do vậy, trong thời gian tới, khu vực Tây Nguyên cần thay đổi nhóm cây công nghiệp, không đi theo bề rộng mà đi vào chiều sâu, sản xuất theo chuỗi; giảm diện tích đất trồng lúa để giảm tiêu thụ nước.

Xoay quanh chủ đề của hội nghị, nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề hạn hán, thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên…, cho thấy những thách thức đang đặt ra với quản lý và bảo đảm an ninh nguồn nước ở nước ta. Do vậy, sẽ khó có thể hài lòng với các đề án, hoạt động riêng lẻ được triển khai thực hiện thời gian qua. Giải pháp mang tính bao quát, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, trước tiên, cần đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu. Đây sẽ là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

An ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là một trong những chủ đề luôn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội quan tâm, theo dõi. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, tình hình thời tiết, bão lũ ngày càng khắc nghiệt..., thì việc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức hoạt động khảo sát tại 14 địa phương đại diện cho các vùng, miền trên cả nước và Hội nghị giải trình lần này có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội đối với những vấn đề sát sườn đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thanh Hải