10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới:

Thay đổi từ tư duy đến hành động

- Thứ Năm, 17/10/2019, 21:50 - Chia sẻ
“Năm 2018, nền kinh tế của Việt Nam chỉ được xếp ở vị trí trên dưới 50 so với thế giới nhưng lại là quốc gia đứng trong Top 10 các nước thực hiện tốt Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2020, đặc biệt là Mục tiêu số 5 về trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái… Những con số này cho thấy, Luật Bình đẳng giới đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ để các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân triển khai các biện pháp tăng cường vai trò và sự tham gia của cả nam và nữ trong quá trình phát triển của đất nước; giúp họ được thụ hưởng bình đẳng vào các lĩnh vực của đời sống chính trị - kinh tế - xã hội”. Đây là ghi nhận của các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tổ chức ngày 17.10 tại Hà Nội.

Ngày càng có nhiều phụ nữ tham chính


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng các địa biểu nữ dự Hội nghị nhân dịp 20.10 

Thực tế cho thấy, Luật Bình đẳng giới có tác động sâu rộng đến giới nữ cả về lĩnh vực chính trị và kinh tế, khoa học, xã hội. Sau 10 năm thực hiện Luật, về cơ bản, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cấp ủy, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã tăng lên. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị 1 trong 4 chức danh cao nhát của đất nước.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến năm 2017, có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có chiều hướng tăng. Nếu năm 2009, tỷ lệ này chiếm 4% thì tới năm 2017, nữ làm chủ doanh nghiệp đã  đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%); cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Đặc biệt, đã xuất hiện những gương mặt nữ doanh nhân tiêu biểu được quốc tế ghi nhận như: Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air; Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên; Nhà sáng lập Tập đoàn TH, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á Thái Hương; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga…

Để bình đẳng giới hiện hữu ngày càng sâu, rộng


Toàn cảnh Hội nghị

 Để làm tốt công tác bình đẳng giới, cần phải có sự đồng hành của cả xã hội; phải được thực hiện một cách kiên trì, bền bỉ vì nhận thức không thể ngày một, ngày hai có thể thay đổi…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Theo đánh giá chung của các đại biểu tại Hội nghị, bên cạnh các mặt tích cực thì công tác này còn tồn tại nhiều vấn đề. Tỷ lệ phụ nữ tham gia trên các lĩnh vực đời sống xã hội chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong các lĩnh vực này. Trên thực tế, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính. Trong lao động, còn có sự khác biệt giữa chất lượng việc làm và thu nhập bình quân của lao động nam và nữ (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). Khác biệt về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến các hạn chế về tiêu chuẩn, độ tuổi đề bạt, bổ nhiệm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội của lao động nam và nữ…

Nguyên nhân có nhiều nhưng các đại biểu cho rằng, mấu chốt nằm ở việc cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và quan tâm đúng mức tới công tác bình đẳng giới. Cùng với đó, tư tưởng định kiến giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức. Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới…

Ngoài việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức thay đổi hành vi về bình đẳng giới của các cấp, các ngành và của chính người phụ nữ, nam giới thì cần có sự cam kết mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị; nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện bình đẳng giới. Trong triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, càn thể chế hóa chính sách đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện công tác này.

Ngoài ra, đối với các nhóm đối tượng phụ nữ như nhà khoa học, lãnh đạo quản lý, phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cần nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về bình đẳng giới.

Bình Nhi