Thấy gì qua chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam?

- Thứ Sáu, 14/10/2016, 08:43 - Chia sẻ

Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum, WEF) vừa công bố gần đây chỉ số cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Index, GCI) của 138 nền kinh tế trên thế giới. Theo dõi GCI của Việt Nam trong suốt 11 năm (2006 - 2016), so sánh với GCI trên toàn cầu và trong Cộng đồng ASEAN, tác giả rút ra một số nhận xét và những lĩnh vực cần cải tiến để gia tăng chỉ số này.

Cách tính GCI của WEF

Vào trung tuần tháng 9 hàng năm, từ năm 2006, WEF công bố GCI của các nền kinh tế trên thế giới có đủ các số liệu mà WEF dùng để tính toán. Số nền kinh tế được WEF tính toán thay đổi hàng năm. Năm nhiều nhất là 148 (2013), năm ít nhất là 131 (2006). 5 năm gần đây là 144 (2012), 148 (2013), 144 (2014), 140 (2015) và 138 (2016).
Các quốc gia và nền kinh tế có thể có ý kiến về cách tính, và sử dụng hay không thì tùy. Nhưng WEF đã tính toán GCI cho mỗi quốc gia, nền kinh tế với cùng một cách tính khi WEF có đầy đủ số liệu(1).

GCI được tính từ 12 chỉ số thành phần (mà WEF gọi là trụ cột, pillars). Các chỉ số này được phân vào ba nhóm:

Nhóm I Các Yêu cầu căn bản
1. Thể chế, 2 Hạ tầng cơ sở, 3. Môi trường kinh tế vĩ mô, 4. Sức khỏe và giáo dục tiểu học.
Nhóm II Các Yếu tố làm tăng hiệu quả
5. Giáo dục đại học và đào tạo, 6. Hiệu quả của thị trường hàng hóa, 7. Hiệu quả của thị trường lao động, 8. Sự phát triển của thị trường tài chính, 9. Sự sãn sàng công nghệ, 10. Quy mô của thị trường.
Nhóm III Đổi mới và sự
tinh vi

11. Sự tinh vi trong kinh doanh, 12. Đổi mới.
GCI và 12 chỉ số thành phần được tính với điểm số từ 1 (thấp nhất) đến 7 (cao nhất).

Chỉ số của mỗi nhóm là trung bình cộng của các chỉ số thành phần trong nhóm đó.

Trọng số để tính toán GCI của ba nhóm I, II và III lần lượt là 60%, 35% và 5%, nói lên tầm quan trọng mà WEF dành cho mỗi nhóm.

Tiếp cận GCI

Gần đây, hàng năm sau khi WEF công bố báo cáo về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, báo đài quan tâm đến thứ hạng GCI của Việt Nam, tiến lên hay thụt lùi so với năm trước. Ví dụ, năm nay, năm 2016, GCI của Việt Nam tụt 4 hạng so với năm 2015 (60/56). Năm trước đó, Việt Nam đã nhảy vọt 12 hạng từ 68 lên 56. Đây là một cách tiếp cận chỉ số này.

Một cách tiếp cận khác, được trình bày trong bài viết này, xem xét trị số của GCI của Việt Nam, diễn biến qua các năm, so sánh với GCI lớn nhất, và bé nhất toàn cầu qua các năm để thấy chỗ đứng của sức cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong cộng đồng các nền kinh tế trên thế giới.

Trong cách tiếp cận này, đóng góp của ba nhóm vào GCI của Việt Nam cũng được phân tích, đặc biệt nhóm (I) Các yêu cầu cơ bản. Cách làm này giúp nhận diện bước đầu tại sao tiến và tại sao lùi.

Cuối cùng, GCI của Việt Nam được so sánh với GCI của các nước trong Cộng đồng ASEAN có số liệu (được WEF đánh giá) từ 2006 đến nay.

Nhận xét từ phân tích số liệu được WEF công bố

1. Chỗ đứng GCI của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu

Chỗ đứng của sức cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được thể hiện qua các sơ đồ so sánh GCI của Việt Nam với các GCI cao nhấtthấp nhất toàn cầu trong 10 năm từ 2007 đến 2016, và chỉ số của 3 nhóm (I), (II) và (III) tương ứng trong cùng thời gian. Hình 1.



Hình 1: GCI của Việt Nam về cơ bản gần bằng trung bình cộng của trị số GCI Max và GCI min. Trị số của nhóm (I) gần bằng nhưng thấp hơn trung bình cộng của trị số (I) Max và (I) min. Trị số của nhóm (II) cũng thế. Trị số của nhóm (III) thấp hơn hẳn trung bình cộng của trị số (III) Max và (III) min.

2. Đóng góp của 3 nhóm (I) (II) và (III) vào GCI của Việt Nam được thể hiện trong đồ thị bên dưới.


Tuy trọng số của (II) và của (III) lần lượt chỉ là 0.35 và 0.05, nhưng trị số của hai nhóm này đã kéo trị số của GCI của Việt Nam xuống. 

3. Diễn biến của nhóm (I) Các yếu tố cơ bản, và của các chỉ số hợp thành

Nhóm (I) Các yếu tố cơ bản được cấu thành từ 4 chỉ số Thể chế, Hạ tầng cơ sở, Môi trường kinh tế vĩ mô, Sức khỏe và giáo dục tiểu học, với trọng số ngang nhau.


Chỉ số Sức khỏeGD tiểu học đóng góp nhiều nhất.

Chỉ số hạ tầng cơ sở xuất phát rất thấp, đứng cuối cùng năm 2006, tăng trưởng đều.

Chỉ số thể chế đóng góp thấp nhất vào trị số của Nhóm (I) từ năm 2013.

Trong 5 năm gần đây, chỉ số môi trường kinh tế vĩ mô tăng trừ năm 2016 giảm. 

4. Diễn biến của nhóm (II) Các yếu tố làm tăng hiệu quả


Chỉ số GD đại học và dạy nghề xuất phát thấp năm 2006, tăng đều đến nay trừ năm 2011.

Các chỉ số về thị trường trồi sụt không đều, rõ nhất là sự phát triển của thị trường tài chính.

Chỉ số hiệu quả thị trường lao động liên tục giảm từ năm 2010. Chỉ số Quy mô thị trường có xu hướng tăng từ năm 2008. Chỉ số Sẵn sàng công nghệ thấp nhất và rất thấp.

5. Diễn biến của nhóm (III) Sự tinh vi trong kinh doanh và Đổi mới


Hai chỉ số Sự tinh vi trong kinh doanhĐổi Mới đều thấp và diễn biến gần như đồng dạng.

Chỉ số của nhóm (III) thấp (dưới 3.70), trong 11 năm qua, lúc lên lúc xuống, lên lại từ năm 2014. 

6. GCI của 7 nước ASEAN có số liệu

Trong 10 nước thành viên Cộng đồng ASEAN, chỉ có 7 nước là có số liệu liên tục từ 2006 đến 2016 theo cách tính GCI của WEF. Lào mới được tính toán từ những năm gần đây. Brunei có số liệu không đều. Myanmar không có số liệu.


Hình 2

Theo cách tính của WEF, chỉ số GCI của Việt Nam từ năm 2012 đến 2016, mặc dù tăng đều, chỉ đứng trên GCI của Campuchia và đứng dưới GCI của 5 nước Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, và Indonesia. (Hình 2).

Những chỉ số nào cần cải tiến để gia tăng GCI của Việt Nam

Phân tích các số liệu của các chỉ số trong 11 năm, có thể lọc ra những chỉ số thành phần cần ưu tiên cải tiến để từ đó tăng GCI của Việt Nam.

Trong nhóm (I) (có trọng số 0,6), đó là chỉ số thể chế, chỉ số hạ tầng cơ sở, chỉ số môi trường kinh tế vĩ mô. Chỉ số sức khỏe và giáo dục tiểu học cần tiếp tục nâng lên, bởi lẽ năm 2015 vẫn còn thua khá xa Singapore (1,2 điểm) và Malaysia (0,73 điểm). (Xem hình 3, bên trái).


Hình 3

Trong nhóm (II) (có trọng số 0.35). Chỉ số hiệu quả của thị trường lao động liên tục giảm từ năm 2010 là rất đáng quan tâm. Chỉ số hiệu quả của thị trường hàng hóa chẳng lẽ đã “đụng trần” ở trị số 4,25 trên 7? Chỉ số giáo dục đại học và dạy nghề, tuy tăng từ năm 2011 vẫn còn khoảng cách khá xa với chỉ số này của các nước ASEAN (năm 2016, kém Singapore 2,4 điểm, kém Malaysia 1,17 điểm… và chỉ hơn Campuchia 0,96 điểm). (Xem hình 3, bên phải). Chỉ số này có liên quan đến chỉ số hiệu quả của thị trường lao động.

________

1. Xem báo cáo mới nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu của các quốc gia và nền kinh tế do Diễn đàn Kinh tế thế giới phát hành trong http://www.weforum.org/reports/global-competitiveness-report-2016-2017.

Gs. Nguyễn Ngọc Trân