Thí điểm khu công nghiệp dệt may

- Thứ Ba, 30/06/2020, 05:15 - Chia sẻ
Dệt may được đánh giá là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, bắt đầu từ 1.8 tới. Bởi theo cam kết, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5 - 7 năm tiếp theo.

Tuy vậy, tận dụng cơ hội này không phải việc dễ dàng. Muốn hưởng ưu đãi thuế theo EVFTA, doanh nghiệp dệt may phải thực hiện quy tắc xuất xứ tương đối chặt từ sợi, vải trở đi. Cụ thể, vải nguyên liệu được dùng để may quần áo phải được dệt tại Việt Nam hoặc các nước thành viên EU hoặc nước có ký kết hiệp định thương mại tự do với EU. Kèm theo đó, tất nhiên, sản phẩm dệt may cần phải đáp ứng tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể quy định trong EVFTA.

Thách thức nằm ở chỗ ngành dệt may nước ta vẫn đang loay hoay, thậm chí có phần bế tắc trong việc tìm nguồn vải phù hợp quy định xuất xứ để hưởng ưu đãi từ EVFTA và cả CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

Lâu nay, các doanh nghiệp chủ yếu nhập vải nguyên liệu từ Trung Quốc (khoảng 60%) do giá thấp hơn, mẫu mã lại phong phú, đa dạng và có lợi thế về khoảng cách địa lý. Nếu tình hình này không cải thiện, doanh nghiệp sẽ gặp trở ngại lớn trong việc tận dụng thuế suất ưu đãi.

Mặt khác, doanh nghiệp muốn chủ động được nguồn cung nguyên liệu vải cũng rất khó vì không ít địa phương “dị ứng” với dự án dệt nhuộm do lo ngại ảnh hưởng đến môi trường. Tỉnh Vĩnh Phúc từng thẳng thừng từ chối dự án dệt nhuộm của TAL (Hong Kong) vốn đầu tư lên tới 350 triệu USD. TP Đà Nẵng cũng vậy! Ngay cả các địa phương vốn kém sức hút với các khoản đầu tư lớn cũng “nói không” với dự án trong lĩnh vực này, như Tây Ninh.

Đã có quá nhiều bài học từ việc doanh nghiệp dệt nhuộm, da giày xả thẳng chất thải ra sông rạch, vì thế, các địa phương có quyền và có lý khi từ chối những dự án trong lĩnh vực này. Nhưng nếu các địa phương không cấp phép, sẽ không có sợi, vải đáp ứng quy định về nguồn gốc, xuất xứ trong EVFTA, CPTPP. Như thế, các doanh nghiệp “còn lâu” mới được hưởng thuế suất ưu đãi từ các hiệp định thương mại. Như thế, ngành dệt may nước nhà sẽ vẫn chủ yếu thuần gia công và đương nhiên chỉ loanh quanh ở đáy của chuỗi giá trị.

Trên thực tế, ngày nay công nghệ nhuộm và hoàn tất, các loại thuốc nhuộm và hóa chất đã thân thiện môi trường hơn, công nghệ và thiết bị xử lý nước và môi trường cũng rất tốt và bảo đảm được tác hại ít nhất đến môi trường. Các nước giàu có như Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có nhuộm và hoàn tất cung cấp vải chất lượng cao ra thế giới. Trường hợp dự án dệt nhuộm được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì địa phương cũng nên xem xét cấp phép, thay vì chỉ mới nghe nói đã nhất quyết quay lưng.

Tuy nhiên sẽ tốt hơn rất nhiều nếu có một chính sách bài bản cho cả nước theo hướng quy hoạch các dự án theo địa bàn và phải xử lý, kiểm soát chặt chẽ về môi trường. Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tính toán việc thí điểm thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất. Những khu công nghiệp này sẽ có hệ thống xử lý nước thải riêng để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc quy tụ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào một khu vực giúp cho hoạt động kiểm soát, giám sát chặt chẽ, tập trung và hiệu quả hơn.

Trước thềm EVFTA và dự đoán về những làn sóng vốn đầu tư nước ngoài đang nhắm đến Việt Nam, việc thí điểm thành lập các khu công nghiệp dành riêng cho dệt may, da giày, hóa chất sẽ là lời giải cho bài toán dung hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Doanh nghiệp sẽ gia tăng được lợi nhuận của mình khi giải quyết được vấn đề xuất xứ nguyên liệu hàng hóa; địa phương vẫn thu hút được các dự án đầu tư trong lĩnh vực này và có thêm nguồn thu; cùng với đó - rất quan trọng là các vấn đề về môi trường vẫn được xử lý tốt.

Hà Lan