Thị trường lao động sẽ rất khó khăn

- Thứ Ba, 04/08/2020, 08:47 - Chia sẻ
Mới hồi phục chưa được bao lâu, thị trường lao động nước ta lại phải đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid - 19 "trở lại" sau hơn 3 tháng không có ca mắc mới trong cộng đồng...

Khó khăn là bởi nếu như không có ca mắc mới trở lại, dự báo thị trường lao động nước ta quý III sẽ phục hồi tốt hơn, đạt mức khoảng 55,4 triệu người, tương đương quý I.2020 - nhận định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội diễn ra hồi giữa tháng 7 vừa qua.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, 6 tháng đầu năm 2020, dịch Covid -19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chưa có thời điểm nào tỷ lệ thất nghiệp tăng cao như vậy, khoảng 2,56% - thời điểm cuối năm 2019, con số này là 1,98%. Quy mô lao động từ 55,4 triệu người giảm xuống còn khoảng 52 triệu người. Tình trạng ngừng việc, giãn việc thậm chí thất nghiệp chủ yếu ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ và một số khu vực có tính chất năng động. Tuy nhiên đến thời điểm này (giữa tháng 7), thị trường lao động Việt Nam đã phục hồi nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp đăng ký mới hoặc trở lại hoạt động sau thời gian dài tạm ngừng do giãn cách xã hội đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Ước tính, từ tháng 5.2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có 70.000 - 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại địa phương - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.

Thế nhưng Covid-19 đã quay trở lại. Số người bệnh mấy ngày qua tăng cao, một số địa phương đã giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, diễn biến dịch ở ba khu vực trọng điểm là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa chuyển biến tích cực. Nguy cơ lây lan cộng đồng còn cao, trong khi vaccine phòng Covid-19 chưa có. Điều này ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Dự báo trong quý III.2020, xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế do các đối tác thương mại hàng đầu như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặt khác, nguyên nhiên liệu cần trong sản xuất bị cạn kiệt dần - Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Lê Văn Thanh thông tin khi trả lời báo chí mới đây.

Bởi vậy, theo kịch bản xấu nhất mà Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh Xã hội tính đến là thời gian tới, số lao động mất việc có thể tăng khoảng 60.000 - 70.000 mỗi tháng, tập trung ở các lĩnh vực như du lịch, hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống, xây dựng, vận tải, chế biến chế tạo... Số doanh nghiệp bị ảnh hưởng sẽ lên đến 70%, trong khi số lao động bị ngừng việc, giãn việc, giảm việc có thể lên tới 3,5 - 5 triệu người. Do đó, rất cần có những chính sách đồng bộ và hiệu quả cùng lúc hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động. Chỉ khi doanh nghiệp duy trì được sản xuất,kinh doanh thì mới có thể tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời đóng góp cho nền kinh tế.

Dịch bệnh là bất khả kháng, nhưng trong bối cảnh rất khó khăn đó, bên cạnh yêu cầu bảo vệ sức khỏe người dân, cần nỗ lực cao nhất duy trì thị trường lao động, bảo đảm ổn định an sinh xã hội.

Ninh Khương