Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Thiết thực và thỏa đáng

- Thứ Hai, 21/01/2019, 08:42 - Chia sẻ
Bên cạnh những thành tựu to lớn, đáng tự hào, chất lượng giáo dục - đào tạo của Việt Nam còn thấp so với yêu cầu. Việc sửa đổi Luật Giáo dục sẽ là động lực quan trọng để khỏa lấp hạn chế, bất cập, một khi điều chỉnh đó thật sự thỏa đáng.

Trúng vấn đề cốt lõi

Luật Giáo dục hiện hành sau 13 năm thi hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng đòi hỏi của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo ở nước ta. Tại phiên họp chuyên đề góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tuần qua của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiều đại biểu đánh giá Dự thảo đã chạm trúng vấn đề, giải quyết khúc mắc của giáo dục hiện nay. Nội dung về triết lý giáo dục; về đầu tư giáo dục, trách nhiệm của Nhà nước; về nhà giáo; người học; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; liên thông; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học; tự chủ của các cơ sở giáo dục… đều tác động trực tiếp đến phát triển giáo dục, tuy nhiên, một số nội dung đang gây nhiều băn khoăn, quan điểm khác nhau.

Đơn cử, một vấn đề cốt lõi của hoạt động giáo dục là tài chính, liên quan trực tiếp đến đầu tư giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước. Yếu tố chi phối là nguồn tiền phục vụ hoạt động giáo dục và sử dụng nguồn tiền đó sao cho hiệu quả. Xã hội hóa là câu trả lời, nhưng bất cập ngày càng lộ rõ, dễ thấy là chính sách. Nhiều chính sách trong các luật liên quan đề cập đến xã hội hóa nhưng không đề cập cụ thể xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều biến tướng như lạm thu nhà trường, nạn dạy thêm, học thêm... là biểu hiện của quan niệm về xã hội hóa như dựa vào dân là chủ yếu. Nói cách khác, xã hội hóa đang được hiểu là chuyển gánh nặng tài chính từ vai Nhà nước sang người dân, nảy sinh xu hướng đáng lo ngại là biến công thành tư.

TS. Phạm Thị Ly (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) phân tích, đã đến lúc cần xác định lại quan điểm xã hội hóa cho đúng, không phải chỉ dựa vào học phí, mà dựa vào các nguồn lực đa dạng trong xã hội. Rất may, quan điểm đó đã thể hiện trong Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Điều còn lại là cụ thể hóa, xâu chuỗi nó và xác định rằng các luật chuyên ngành khác cũng rất cần thay đổi. “Đó chỉ là một ví dụ cho thấy, điều khoản trong Luật Giáo dục cần mang tính hỗ trợ để các chính sách của Nhà nước không bị lạm dụng, hiểu sai, sử dụng vào những mục đích không mong muốn” - TS. Phạm Thị Ly khẳng định.


Sửa đổi Luật Giáo dục nhằm thúc đẩy giáo dục phát triển

Gắn liền với thực tiễn

Nội dung về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục cũng được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học quan tâm. Hiện nay, việc quy hoạch cơ sở giáo dục đang được điều chỉnh bởi nhiều đạo luật khác nhau, như Luật Giáo dục 2005, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực tháng 1.7.2019), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Quy hoạch 2017 (giữ vai trò nòng cốt). Khó là nhiều năm qua việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục không thống nhất, đồng bộ, biểu hiện là sự ra đời tràn lan trường đại học, cao đẳng, việc sáp nhập cơ học cơ sở giáo dục phổ thông, mầm non, gây áp lực xã hội.

Nhiều quan điểm cho rằng, dân cư sinh sống ở đâu thì trách nhiệm của giáo dục đến đấy nhưng thực tế dân cư phân tán manh mún, Nhà nước chưa có quy hoạch dân cư thì điện - đường - trường - trạm không “chạy” theo được. Hiện nay, xã hội đồng tình sắp xếp, quy hoạch khối trường cao đẳng, đại học, nhưng đối với khu vực giáo dục phổ thông, mầm non vẫn còn nhiều vấn đề. Theo GS. Phạm Hồng Quang (Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên), việc này có thể điều chỉnh mà không nhất thiết đưa vào Luật. Trong khi đó, TS. Lê Đông Phương (Viện Nghiên cứu giáo dục Việt Nam) lại cho rằng, quy hoạch mạng lưới tới giờ vẫn tĩnh, không gắn với thực tiễn, mới chỉ áp dụng cho việc mở mới còn những trường đã hiện hữu chưa được quan tâm. Vì vậy, sửa đổi Luật Giáo dục lần này phải khẳng định câu chuyện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục phổ thông. Ví dụ, Việt Nam đã có tiêu chuẩn học sinh tiểu học đến trường không phải đi quá 1 cây số nhưng không làm được. Đó chỉ là một dẫn chứng về khoảng cách từ lý thuyết đến thực tiễn.

TS. Lê Đông Phương nêu thêm, hệ thống giáo dục Việt Nam đang có quá nhiều thứ mang màu sắc của kiểm đếm. Tiêu chuẩn giáo dục, chuẩn quốc gia, chuẩn chất lượng tối thiểu, chuẩn kiểm đếm… đều hướng tới đo chất lượng nhưng chồng chéo nhau. Để thấy rằng, cách thực hiện của mỗi đơn vị chủ thể thực hiện kiểm đếm đang có nhìn nhận khác nhau và mặt bằng kết quả không đồng đều. Do vậy, đây là vấn đề rất cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ.

Yêu cầu tất yếu trong giáo dục phổ thông mà Luật Giáo dục 2005 không quy định cụ thể là hướng nghiệp và phân luồng thì Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã có chỉnh sửa, bổ sung. Trước nay, Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các cấp, trường học... Tuy nhiên, công tác phân luồng không chuyển biến mạnh. TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến lý giải, bài toán phân luồng không giải quyết được bởi thiếu gắn kết phân luồng với liên thông, nói cách khác là đặt phân luồng, liên thông trong bối cảnh xây dựng hệ thống học tập suốt đời. Để giải quyết bài toán đó, thế giới 30 năm nay đã xây dựng khung trình độ quốc gia. Việt Nam mặc dù xây dựng khung trình độ quốc gia nhưng chưa có bất kỳ hành động nào để khung trình độ đó “có da, có thịt” bằng quy định cụ thể từng lĩnh vực, ngành nghề, từng trình độ đào tạo để đưa vào cuộc sống. Theo ông Tiến, nhiều quy định, chính sách mang tính ưu việt đang không gắn với thực tiễn, nhiều văn bản mới dừng lại ở hô hào hơn là tổ chức thực hiện. Vì thế, việc sửa đổi Luật Giáo dục cần dựa trên cơ sở các ý kiến giải quyết bất cập, hạn chế một cách nhanh chóng, căn cơ.

Thái Minh