Thỏa thuận lịch sử Nga - Thổ Nhĩ Kỳ và bản đồ Syria

- Thứ Năm, 24/10/2019, 08:36 - Chia sẻ
Từ trưa qua, 23.10 (giờ địa phương), lực lượng quân cảnh Nga và lực lượng bảo vệ biên giới Syria bắt đầu được triển khai tới phía Đông Bắc Syria để đẩy lùi các tay súng người Kurd ra khỏi khu vực biên giới ít nhất 30km. Đây là một trong những nội dung quan trọng của thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ một ngày trước đó, được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề biên giới Syria và số phận người Kurd mà không cần đến sự có mặt của Mỹ.

Bảo đảm vấn đề người Kurd - làm yên lòng Thổ Nhĩ Kỳ

Thỏa thuận trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thông báo sau cuộc họp hơn 6 tiếng tại thành phố Sochi, Nga ngày 22.10. Phát biểu sau cuộc gặp, Tổng thống Putin cho biết, Moscow hiểu rõ lý do đằng sau chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Ankara không được để mắc mưu khủng bố, và phải giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Thỏa thuận gồm 10 điểm, trong đó gồm điều khoản giải quyết lo lắng của Ankara đẩy lùi người Kurd khỏi biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 30km (nằm trong lãnh thổ Syria) và lập vùng đệm trải dài 120km ở Đông Bắc Syria, được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ca ngợi là “thỏa thuận lịch sử”.

Cụ thể, lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo (YPG) - mục tiêu chính trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ phải rút về khu vực cách biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ 30km. Trong khi đó, chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục được tiến hành ở một khu vực hạn chế, nằm giữa các thị trấn Tell Abyad và Ras al-Ayn, sâu 32km trong lãnh thổ Syria. Các khu vực khác trên biên giới Syria - từ Kobani đến Tell Abyad và từ Ras al-Ain đến biên giới Iraq - sẽ được kiểm soát bởi quân đội chính phủ, lính biên phòng, với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang Nga.

Cùng lúc đó, tại các khu vực không chịu ảnh hưởng bởi chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng vũ trang Nga sẽ tiến hành tuần tra sâu tới 10km vào lãnh thổ Syria.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Tổng thống Nga Putin tại Sochi, Nga ngày 22.10

Phát biểu về thỏa thuận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói: “Chúng tôi đã ký một biên bản ghi nhớ lịch sử với Tổng thống Putin vì sự toàn vẹn lãnh thổ và chính trị của Syria, cũng như để những người tị nạn trở về nước. Kể từ giờ, mục tiêu chính của chúng tôi là bảo đảm sự ổn định cho khu vực”. Trong khi đó, Tổng thống Putin khẳng định đây là quyết định “quan trọng”, giúp “giải quyết tình hình phức tạp tại biên giới Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”.

Không để tù binh IS đào thoát

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin đặc biệt lưu ý về tình trạng hiện tại của các nhà tù và trại giam ở phía Đông Bắc Syria, nơi các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị giam giữ. “Một điều quan trọng phải bảo đảm thành viên của các tổ chức khủng bố, bao gồm IS, bị giam giữ bởi các nhóm vũ trang người Kurd, không được lợi dụng tình trạng hỗn loạn hiện tại để thoát ra ngoài”, ông Putin nhấn mạnh. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Lavrov đồng thời kêu gọi những lực lượng đã xây dựng và duy trì các nhà tù hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn tù binh IS đào thoát.

Cam kết hỗ trợ thực hiện Hiệp định Adana 1998

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp định Adana năm 1998, một hiệp ước an ninh giữa Ankara và Damascus. Hiệp định cho phép quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các hoạt động xuyên biên giới ở Syria, trong khi Damascus hứa sẽ không chứa chấp các thành viên Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố.

Dù quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị tổn hại đáng kể trong những năm xảy ra xung đột, nhưng Hiệp ước Adana 1998 chưa từng bị phản đối. Giờ đây, Moscow tuyên bố sẽ cam kết hỗ trợ thực hiện hiệp định trong tình hình thực tế hiện tại.

PKK đã tiến hành các cuộc nổi dậy nhỏ lẻ ở Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập kỷ, nhằm tìm kiếm cơ hội thành lập một nhà nước độc lập. Ankara cáo buộc lực lượng dân quân do người Kurd lãnh đạo ở Syria có quan hệ chặt chẽ với PKK. Trên thực tế, cờ và phù hiệu PKK đã xuất hiện nhiều lần cùng lực lượng người Kurd ở Syria, dù tình trạng quan hệ giữa các nhóm phiến quân này chưa được làm rõ.

Sự ủng hộ của Syria

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, sau thỏa thuận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, Tổng thống Nga đã điện đàm với người đồng cấp Syria Bashar Assad.

Trong đó, Tổng thống Assad bày tỏ sự ủng hộ đối với thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời nói rằng lực lượng biên phòng Syria sẵn sàng hợp tác với lực lượng vũ trang Nga.

Mỹ bị gạt sang bên lề

Thỏa thuận được công bố chỉ vài giờ trước thời hạn chót Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ tái khởi động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria, theo thỏa thuận tạm thời đạt được với Mỹ. Theo thỏa thuận này, phạm vi tại biên giới mà dân quân người Kurd phải rút lui bị giới hạn trong khu vực trung tâm của dải đất nằm giữa thị trấn Tel Abyad và Ras al Ain của Syria, nơi lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tập trung tiến hành chiến dịch quân sự.

Trong khi đó, theo thỏa thuận mới giữa Ankara và Moscow, phạm vi tại biên giới mà dân quân người Kurd được yêu cầu rút lui rộng gấp ba lần khu vực được quy định trong thỏa thuận hôm 17.10, bao trùm hầu hết vùng lãnh thổ mà Ankara muốn.

Và mặc dù thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm cả những nội dung và vấn đề tương tự bản thỏa thuận đạt được giữa Ankara và Washington 5 ngày trước, nhưng tuyệt nhiên trong cuộc họp tại Sochi hôm 22.10, Mỹ và lệnh ngừng bắn của Mỹ hầu như không được các quan chức cấp cao hai bên nhắc đến.

Chiến thắng của Putin

Giới chuyên gia cho rằng, thỏa thuận mới đạt được giữa Ankara và Moscow sẽ củng cố vai trò của Nga như những bên quan trọng tại Syria, trong khi Mỹ đang trở nên thừa thãi ở khu vực mà chính họ đã chọn rời đi và bỏ rơi lực lượng đồng minh người Kurd từng sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố. “Kẻ thua cuộc lớn nhất về địa chính trị trong thỏa thuận này chính là Washington. Sự rút quân nhanh chóng của Mỹ bỏ lại người Kurd là một món quà cho ông Putin” - một chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, trên tờ Inopressa, chuyên gia Matthias Bruggmann nhận định: “Sự thiếu quyết đoán của phương Tây và việc bỏ qua những gì đang xảy ra đã cho phép Nga lại trở thành “đấu thủ” chủ chốt trên vũ đài thế giới. Ông Putin đã khéo léo tận dụng điều đó”. Bài báo có đoạn: “Việc rút quân Mỹ, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, cuối cùng đã biến Nga thành đấu thủ chủ chốt trong toàn khu vực. (...) Chiến thắng của ông Putin ở Syria - đó là tín hiệu đáng kể đối với tất cả: Có một người đang đứng bên cạnh mình một cách tự tin, trong khi ông Trump chứng minh điều ngược lại”. Bài báo kết luận: Tất cả những điều đó xảy ra là do sự chia rẽ của phương Tây mà lãnh đạo Mỹ gây ra, cũng như sự thiếu quyết đoán của châu Âu đối với những gì đang diễn ra trong các khu vực khủng hoảng.

Quỳnh Vũ