Thông điệp gắn kết gia đình

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:20 - Chia sẻ
Lần đầu tiên tại Việt Nam, tác phẩm văn học kinh điển “Không gia đình” được đưa lên sân khấu nhạc kịch dưới sự thể hiện của gần 100 học sinh Hà Nội. Thông điệp gắn kết gia đình được phản chiếu lấp lánh qua đôi mắt trẻ thơ.

Từ trái tim con trẻ

Nhạc kịch “Không gia đình” được xây dựng song song với vở “Matilda”, của nhóm sáng tạo Hanoi Art for Youth, nghệ sĩ Nguyễn Hoàng Tùng biên kịch và đạo diễn, nhạc sĩ Nguyễn Nhật Minh sáng tác âm nhạc, nghệ sĩ Nguyễn Đức Sang biên đạo múa. Vở nhạc kịch được trình diễn các tối 15, 16, 17, 18.7 tại Nhà hát Tuổi trẻ, Hà Nội.

Con không thích bôi son. Con muốn tự mình đánh phấn. Con không muốn lên sân khấu nữa. Con bị ốm, con lo lắng, con… Đó là không khí ồn ào, căng thẳng phía sau sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ ngay sát giờ diễn mở màn tối 15.7. Rồi tấm rèm sân khấu kéo ra, màn hình LED phản chiếu hình ảnh đồng cỏ xanh tươi, không gian chìm xuống, dồn mọi ánh nhìn lên sân khấu. Nhân vật sắm vai Rémi xuất hiện, vở nhạc kịch bắt đầu, khán giả dần chìm vào thế giới của cậu bé không cha không mẹ, không người thân thiết, khóc cười cùng cậu trong suốt hành trình lưu lạc đi tìm gia đình thực sự của mình. Trên hành trình ấy, cậu có những giây phút hạnh phúc, đau khổ, tủi thân, tuyệt vọng… song không hề đơn độc.

Với sự tham gia của 50 học sinh được tuyển chọn từ nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội, từng trang sách cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Pháp Hector Malot mở ra, đưa khán giả gặp gỡ các nhân vật quen thuộc, từ Rémi đến cụ Vitalis, Mattia, Lise, Arthur, phu nhân Milligan... qua âm nhạc, vũ đạo và ca từ tiếng Anh. Đây là thành quả sau hơn một năm ấp ủ của nhóm sáng tạo Hanoi Art for Youth, nhằm chuyển thể và dàn dựng những tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới trên sân khấu Việt. Không những các em được hòa mình, hóa thân vào các nhân vật yêu thích, mà đây còn là cơ hội để các em tìm hiểu văn học, nhạc kịch, lịch sử, văn hóa nước ngoài một cách thoải mái và hào hứng.

Tình huống truyện qua nhiều bối cảnh khắp vùng miền nước Pháp đến nước Anh là một thách thức lớn đối với sân khấu nhạc kịch. Diễn viên phải đi ngược thời gian, trong trang phục của những nông dân, quý tộc, trình diễn vũ điệu sao cho toát lên bối cảnh châu Âu cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. 23 bản nhạc, có lời và không lời giống như mạch nước xuyên suốt toàn bộ vở nhạc kịch, kết nối các nhân vật, cất lên thông điệp về tình yêu, tình bạn, về sự gắn kết, lòng can đảm…

Nhạc sĩ Nguyễn Nhật Minh chia sẻ, khác với “Matilda” (dự án nhạc kịch khác của Hanoi Art for Youth) các bạn nhỏ vào vai nhân vật hồn nhiên, vô tư, đúng với tuổi hơn, còn “Không gia đình” thì đầy sắc thái cảm xúc. Anh muốn các em nhỏ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, một chút hơi hướng cổ điển Pháp, một chút pop ballad nhẹ nhàng, đặc biệt một số bản phối đan xen âm hưởng Việt Nam tạo cảm giác quen thuộc… “Mình muốn âm nhạc góp phần đề cao sự mạnh mẽ, muốn các em thông qua âm nhạc, cảm thấy mọi thứ đều có thể qua đi, đều dễ chịu nếu chúng ta biết cách mở lòng, đón nhận, để lại khó khăn phía sau”.


Nhạc kịch “Không gia đình” lấp lánh thông điệp gắn kết gia đình

Cảm hứng yêu thương

Tiểu thuyết “Không gia đình” gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả toàn thế giới và luôn dẫn đầu danh sách tác phẩm văn học thiếu nhi bán chạy ở Việt Nam. Nhạc kịch lần này chỉ là những lát cắt nhỏ, là chuỗi hồi ức về những lần gặp gỡ và chia ly của Rémi với những con người đầy tình yêu thương. Nhưng khác với nguyên tác văn học, vở nhạc kịch khép lại bằng một kết thúc mở, Rémi vẫn đang trên con đường tìm kiếm gia đình của mình. Tuy nhiên, những gì cậu trải qua sẽ truyền cảm hứng về tình yêu thương và giá trị của gia đình trong mỗi người.

Như vậy, hơn cả khả năng ứng tác trước tình huống, tự tin trước đám đông, hay kỹ năng tiếng Anh… vở nhạc kịch đã đem lại thông điệp về gắn kết gia đình. Đạo diễn Hoàng Tùng phân tích, cất lên trong toàn bộ tiểu thuyết là niềm khao khát có một gia đình. Chuyển thể qua nhạc kịch, ê kíp thực hiện muốn nhấn mạnh vào sự gặp gỡ và chia ly, nhân vật cứ liên tục trải qua như thế để cất lên tiếng nói mạnh mẽ cháy bỏng trong mỗi con người là được sống dưới một mái ấm thực sự. “Và cả một quá trình dài chúng tôi cùng các em đồng hành với nhau, đến khi vở nhạc kịch được công diễn trên sân khấu cũng là quá trình các em trưởng thành”.

“Em đóng vai cụ Vitalis, người đã bao bọc, chở che Resmi trong những ngày cậu theo đoàn xiếc. Mặc dù diễn một người lớn tuổi, giọng nói, dáng đi, tính cách hoàn toàn khác với lứa tuổi của mình, nhưng em học được từ cụ rất nhiều điều”, Nguyễn Trọng Phúc Hưng, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hào hứng nói. Nhiều bạn nhỏ khác cũng như Phúc Hưng tham gia vở nhạc kịch và được trải nghiệm tính cách của các nhân vật ở độ tuổi khác nhau, trải nghiệm tình huống khác nhau. Nhờ vậy, 6 tháng cùng làm việc với ê kíp thực hiện cũng là thời gian để các em rèn luyện, nhận thức về cuộc sống.

Anh Nguyễn Quang Hợp chia sẻ xúc động chứng kiến sự thay đổi của con từ khi tham gia vở nhạc kịch, như tinh thần làm việc tập thể, kỹ năng tiếng Anh, và đặc biệt biết thế nào là yêu thương, là hạnh phúc gia đình. “Từng trường đoạn của tác phẩm được xây dựng, con về tâm sự tại sao bạn Rémi phải trải qua nhiều đau khổ, mất mát đến như vậy, và con hiểu rằng có một gia đình hạnh phúc là điều may mắn. Trên nền tảng ấy, con yêu thương gia đình hơn, hạnh phúc hơn khi có một gia đình đầy đủ, có ý thức để gìn giữ những điều thiêng liêng đó”.

Thái Minh