Những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng

Thông điệp từ cú đánh

- Thứ Hai, 30/11/2015, 08:34 - Chia sẻ

Trong một không gian, có lẽ không phải nhà thờ, chỉ có những bức tường được dựng lên. Nó vừa như một gian phòng nhưng cũng lại giống góc hành lang ngoại biên nào đó. Bà mẹ mặc áo đỏ bó sát cổ trễ, đang giơ cao cánh tay để phát thật mạnh vào mông đứa trẻ nằm úp sấp trên đùi. Trên đầu bà có vành hào quang như biểu tượng quen thuộc của Đức Mẹ. Cú đánh có lẽ rất mạnh, đến nỗi vành hào quang trên đầu đứa trẻ tuột văng xuống đất. Ba người chứng kiến câu chuyện này dường như tỏ thái độ khác nhau khi đứng sau khung cửa nhìn từ phía sau lưng bà mẹ. Hai người thì trợn mắt lên bàn bạc, một người thì thờ ơ nhắm mắt, nhưng rốt cuộc cả ba người không có bất cứ hành động nào. Có lẽ họ không thể hành động được gì thì đúng hơn…


Chúa Jesus bị đánh đòn (The Blessed Virgin Chastising the Infant Jesus),sơn dầu của Max Ernst, vẽ năm 1926, kích thước 196x130cm, đang lưu giữ tại Bảo tàng Ludwig, Cologne, Đức

Hành động hư cấu Madonna đánh Jesus khiến nhiều người phản ứng, bởi bà vốn được xem là biểu tượng của sự yêu thương, thánh thiện. Tuy nhiên, các nhà phê bình lại phân tích: đặt bức tranh Chúa Jesus bị đánh đòn (The Blessed Virgin Chastising the Infant Jesus) của Max Ernst trong lý thuyết của chủ nghĩa Siêu thực, thì câu chuyện này được nhìn nhận một cách nhân văn hơn, như một thực tế về sự nghiêm khắc đằng sau vẻ thánh thiện. Bởi vậy nên dẫu hình ảnh cánh tay Đức Mẹ giơ quá đầu, trên mông đứa trẻ hằn những vệt đỏ, nhưng trên đầu bà vẫn tỏa rạng hào quang. Gương mặt cúi xuống trong bóng tối khi ánh sáng chiếu xéo qua vai như một góc khuất của tinh thần tôn giáo hiện đại, vẫn ít nhiều mang nhiều nét của tình yêu thương nhưng căng thẳng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, có thể xem cú đánh này không đơn giản là đánh vào niềm tin tôn giáo mà còn là cú đánh cả vào ý thức hệ khi xã hội châu Âu đầu thế kỷ XX đứng trước nhiều thách thức. Năm 1926 cũng là thời điểm châu Âu vừa đi qua Thế chiến chừng 6 - 7 năm. Mọi sự thiết lập lại từ đầu, kể cả về đạo đức xã hội chưa hẳn đã vững bền. Bạo lực xã hội cũng lên ngôi, trẻ em là một đối tượng cho sự bất công đó. Do đó, việc mượn một hình ảnh trong tôn giáo với kiểu thức tư duy ngược, thay vì yêu thương, Max Ernst đã để người mẹ đánh đứa con mình thẳng tay nhất, cũng là cách người ta phải ngẫm lại toàn bộ giá trị.

Trên một khía cạnh khác, tác phẩm này còn được xem như sự liên ứng đối với các nghiên cứu Phân tâm học thời bấy giờ. Chiến tranh được giải thích như một bản năng tiềm ẩn trong con người. Nó cũng hiện hữu trong tôn giáo, mà chủ đề đóng đinh trên thập giá là ví dụ điển hình. Đó là sự mâu thuẫn về lý tưởng xã hội và quyền lực. Nó cũng là lý do Max Ernst đã đưa chân dung mình vào bức tranh cùng với 2 người bạn ông, là Andre Breton - nhà lý luận và nhà thơ Paul Éluard - những người đứng đầu trong phong trào nghệ thuật Siêu thực. Chi tiết này là cứu cánh cực kỳ thông minh của Max Ernst như một tuyên bố câm lặng về vị thế của chủ nghĩa Siêu thực, chủ thuyết mang tính chất giải phóng nghệ sĩ khỏi mọi sự lệ thuộc về các chuẩn định trong hội họa. Việc lật ngược câu chuyện, đặt sự thánh thiện trong góc tối (như gương mặt của Madonna) để lật ra tư duy khác về bản thể, về giá trị nhân văn thời hiện đại khi mọi giá trị sống đang bị đảo lộn. Bản thân những nhà trí thức như Andre Breton, Paul Éluard hay Max Ernst cũng chỉ có thể là nhân chứng của thời cuộc mà thôi.

Trang Thanh Hiền