Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV:

Thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi)

- Thứ Sáu, 14/06/2019, 11:15 - Chia sẻ
Sáng 14.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng, QH đã biểu quyết thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), với 85,54% số đại biểu tán thành.

Luật Giáo dục (sửa đổi) gồm 9 chương, 115 điều quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; cơ sở giáo dục, nhà giáo, người học; quản lý nhà nước về giáo dục; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động giáo dục. Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định: Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.


Ảnh: Quang Khánh

Luật quy định: Sách giáo khoa (SGK) triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT), cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình GDPT về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Nội dung và hình thức SGK không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội. Sách giáo không chỉ thể hiện dưới hình thức sách in, mà còn thể hiện ở hình thức sách chữ nổi Braile, sách điện tử.

Luật cũng quy định rõ: Thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK và UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tài liệu giáo dục của địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định SGK. Hội đồng gồm nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về SGK GDPT; phê duyệt SGK để sử dụng trong cơ sở GDPT sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thẩm định; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK GDPT; quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc thành lập Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục của địa phương.

Giải trình về nội dung này, Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết, ý kiến của đa số ĐBQH đồng ý pháp điển hóa Nghị quyết 88 của QH Khóa XIII về có một chương trình GDPT thống nhất cả nước, có một số SGK cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng. Trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định SGK và chịu trách nhiệm về SGK GDPT là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan.

Đối với các quy định liên quan đến người học, trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH và để bảo đảm tính khả thi, Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) cho biết, Luật quy định Nhà nước có chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo (Điều 85).  

Đối với học sinh, sinh viên sư phạm, Luật quy định rõ những đối tượng này được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm cũng vẫn được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí quy định tại Luật này.

Phương Thủy