THỦ ĐÔ KHÔNG CÓ NGƯỜI NGHÈO (Phần cuối)<br><I>Truyện ngắn của</I> Hoàng Công Danh

- Thứ Ba, 23/12/2014, 08:45 - Chia sẻ

>> THỦ ĐÔ KHÔNG CÓ NGƯỜI NGHÈO (Phần 1)

Ngày qua tháng lại, Russi đếm chưa hết số gạch trên bức tường thì có thông tin về Nada. Bỏ công việc kiếm ăn mà đi, bỏ luôn đam mê khảo cổ bằng phương pháp đếm mà đi. Hai mươi năm từ ngày Russi và Nada mất liên lạc. Thời gian không làm Russi nguôi ngoai nhớ cô. Thời gian chỉ làm cho anh già hơn và trở nên nghiện rượu trầm trọng. Sinh nghề tử nghiệp. Nhà máy rượu đã có một mẫu thí nghiệm thành công. Russi nghiện rượu chứng tỏ cho đỉnh cao chất lượng sản phẩm. Bốn mươi tuổi anh được chuyển qua bộ phận pha chế, đảm đương công việc nhẹ nhàng là thử rượu. Vậy là đúng chuyên môn hóa sinh đào tạo dang dở hồi trẻ. Kiến thức quên hết rồi, chỉ còn lại kinh nghiệm đúc rút từ hai mươi năm uống rượu. Thừa sức mà thử.


Minh họa của Vũ Xuân Hoàn

Buổi sáng anh nhảy tàu đi về làng của Nada. Tảng đá bờ sông vẫn còn. Nó chỉ bị mưa gió thời gian mài mòn đi, cộng thêm sức ma sát của đàn ông ra sông tắm rửa cọ lưng khiến đá bóng nhẵn. Mấy ký tự tên anh bị mờ dần. Nhưng lần nào về đây anh cũng kiếm mảnh sắt cứa vào đá, khắc sâu thêm. Đá không biết đau, chỉ có người. Người đau vì tình mà cứa đá thì chắc chỉ mỗi anh.

Nada bốn mươi tuổi vẫn đẹp, sang trọng và quý phái hơn xưa. Đứng từ xa anh đã nhìn thấy cô, nhưng Russi không thể tiến thêm được nữa. Cảnh sát không cho một kẻ đang nồng nặc mùi rượu được tham gia vào cuộc nói chuyện này. Chỉ đứng từ xa mà trông. Quý bà trên kia là Nada, đương giữ một chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền thành phố miền đông nước Nga. Russi giờ mới biết mình đi lạc hướng. Đi tìm cô mà lại vô tình rời xa cô. Gia đình Nada chạy về đông mà anh lại ngược qua phía tây. Chi bằng anh ở lại Matxcơva còn hơn. Sự thật đến muộn thường vui, nhưng sự thật trong tình yêu đến muộn thì vô nghĩa.

Khi về miền đông, nhờ bố mẹ lý lịch tốt Nada được theo tiếp bậc đại học. Xinh đẹp, thông minh lại là đàn bà. Ở những nước chậm tiến ba cái tiêu chuẩn đó dễ làm khổ người ta. Nhưng ở miền đông nơi gia đình cô đến bình đẳng giới được đặt lên hàng đầu trong nhiệm vụ tổ chức nhân sự. Nữ giới tràn lên bãi công đòi bình đẳng. Có được càng nhiều phụ nữ trong hệ thống cửa quan thì nữ quyền sẽ được tăng, chính sách cho phái nữ sẽ dồi dào hơn. Nada sớm thăng tiến trong hệ thống chính quyền đang hiếm hoi phụ nữ.

Hai mươi năm lập thân lập nghiệp ở miền đông nước Nga. Giờ Nada mới trở về thăm cố quận. Chẳng mục đích ngoại giao hay tìm kiếm gì to tát, chỉ là thăm lại nơi ngày xưa mình từng ra đi. Có ít quà cáp thì mang về biếu cho chòm xóm vui vẻ. Nhưng bộ phận tổ chức ở vùng quê này đã rườm rà hóa thủ tục đón tiếp. Họ bố trí lịch, mời bằng được Nada phải đứng ra nói chuyện với dân làng để tiếp thêm niềm tự hào, khích lệ niềm hiếu học. Hãnh diện biết bao, tự hào nhường nào, cái làng quê nghèo này đã từng là nơi nuôi nấng tuổi thơ của một chính khách ở nước Nga.

Nada miễn cưỡng chấp thuận với ban tổ chức về việc dành ra một khoảng thời gian để nói chuyện với bà con. Người ta bố trí một cái bàn hoa, một chiếc ghế cho cô ngồi phía trên bục hiên trường học, trang trọng như bàn chủ tọa hội nghị. Nada từ chối, cô chỉ muốn đứng giữa sân, cầm micrô nói chuyện tâm tình với mọi người, thế cho gần gũi giản dị. Dân quê tập trung tới rất đông. Hiếu kỳ, hào hứng, ngong ngóng. Bồng bế dắt díu trẻ con đi xem. Chỉ trỏ mà nói với con rằng gắng học hành cho được như cô kia nhé.

Cảnh sát dàn vòng ngoài bảo vệ khu vực nói chuyện. Russi buộc phải đứng bên ngoài cái vòng này. Chỉ vì mùi men mà phải đứng ngoài như kiểu vô phận sự miễn vào. Nhưng nếu không có mùi men, chưa chắc Russi đã dám tiến tới thật gần. Để làm gì cơ cứ. Khi người ta bây giờ đã vẻ vang sang trọng như thế. Khéo anh chỉ làm cho dân làng bảo thấy người sang bắt quàng làm họ. Thôi thì đứng ở vòng ngoài mà nhìn mà nghe cũng được. Vòng ngoài không thấy rõ mặt nhân vật trung tâm. Russi phải trèo lên tảng đá ở bờ sông, đạp lên luôn cái chỗ khắc tên mình. Cái tên khắc trên đá giờ chẳng ích gì nữa rồi. Địa thế này anh mới nhìn thấy được Nada, từ cổ lên. Đúng là nàng vẫn đẹp như xưa. Tình yêu không có tuổi và người yêu thì không bao giờ già.

Nada kể chuyện cho bà con nghe, tâm tình những kỷ niệm tuổi thơ. Nhiều người giơ tay xin đặt câu hỏi, giống cử tri chất vấn đại biểu hội đồng. Tất nhiên là những câu hỏi bình dân, đơn giản. Nada vui vẻ trả lời tất cả. Russi đứng ngoài xa, cố lắng nghe. Giọng Nada vẫn nhẹ nhàng trìu mến như xưa. Russi hóng tai và chờ đợi xem có ai hỏi câu gì đại loại liên quan về kỷ niệm tình yêu không, biết đâu Nada sẽ nhắc đến anh. Tuyệt nhiên không. Đây là chính khách chứ không phải ca sĩ mà hỏi chuyện tình, đây cũng không phải nhà văn nhà thơ mà chờ họ trả lời rằng vì thất tình sinh ra thơ phú văn vẻ.

Có một câu hỏi quan trọng dành cho chính khách.

- Thưa bà, bà đánh giá thế nào về sự tan rã của hệ thống Liên bang Xô Viết, và liệu có khả năng tái lập như trước đây không?

Nada thoáng giật mình. Russi đứng ngoài này nghe câu hỏi cũng ớn gáy. Hai chục năm rồi còn gì. Tan tác chia bôi đâu đã vào đấy. Đang yên đang lành bỗng cày xới lên chuyện cũ. Nada lấy lại bình tĩnh rất nhanh. Cô mỉm cười. Chính khách biết mỉm cười trước một đám đông trang trọng không phải dễ. Cười không đúng, méo mó hoặc quá đà đều gây phản cảm. Thôi thì mắt cứng môi lạnh tanh cho chắc ăn. Nhưng Nada có vẻ đẹp của một phụ nữ mặn mà, lợi thế này cho phép cô được cười. Cười thì tôn thêm vẻ đẹp tăng thêm cảm tình. Trước khi trả lời Nada gửi một lời cảm ơn, một lời khen dành cho người vừa đặt câu hỏi.

- Quả là một trăn trở thú vị. Nhưng cái gì cũng theo quy luật của nó, tan hay hợp cũng đều có căn cứ. Vì vậy nếu hội đủ các điều kiện thì khả năng tái lập liên bang cũng không có gì lạ. Nhưng chúng ta vẫn đang sống trong một không khí ổn định thế này là tốt lắm rồi.

Trong những trường hợp nhạy cảm, chính khách luôn biết trả lời những câu trung tính trung lập. Không ảnh hưởng đến ai, cũng chẳng ích lợi cho ai, nhưng thỏa mãn sự tò mò của tất cả. Sắc sảo là ở chỗ ấy.

Russi không đồng ý với câu trả lời này. Anh thấy nhồn nhột, ngứa ngáy chân tay. Muốn hét lên rằng sự tan rã liên bang là một biến cố buồn. Nhưng suy nghĩ của anh có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện nay. Im lặng thì tốt hơn. Đám đông đang trầm trồ khen ngợi câu trả lời thông minh của nhân vật trung tâm, đừng có dại mà phản đối. Đa số không phải lúc nào cũng đúng nhưng nó áp đảo được thiểu số.

Anh nhảy tàu quay lại thủ đô trong sự thất vọng về Nada. Sau hai mươi năm gặp lại, anh đã được nghe tiếng nói của một Nada khác. Không còn tiếng nói chung quê hương chung như hồi còn sinh viên nữa. Russi biết anh và cô đã đi ngược chiều nhau về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã bất đồng trong quan điểm. Dân đen và chính khách vẫn hay bất đồng quan điểm như thế. Cô không nuối tiếc nước mẹ, vậy cô có lưu luyến gì mối tình sinh viên. Sự chia tách là hợp quy luật ư, vậy thì tình yêu đứt đoạn cũng hợp quy luật. Công anh tìm kiếm mỏi mòn hai mươi năm. Nada không dành nhiều tình yêu cho nước mẹ rộng lớn. Cũng đúng thôi. Còn nước mẹ thì chưa chắc cô đã được làm quan như bây giờ.

Russi trở lại với công việc ở nhà máy rượu và đắm chìm trong những suy nghĩ vẩn vơ. Được thêm một năm nữa thì xưởng rượu đóng cửa. Thời hiện đại công nghệ phát triển thương nghiệp cạnh tranh. Nhà máy nơi anh làm việc không chống chọi nổi. Mẫu thí nghiệm sống là anh đã trở thành kẻ nghiện rượu nặng mà nhà máy phải cáo chung ê chề sau mấy chục năm độc quyền cung ứng. Anh thất nghiệp, bơ phờ rũ rượi và già hẳn đi ở tuổi bốn mươi. Không có việc ăn lương nữa, đành chật vật kiếm cái sống qua ngày. Đi nhặt vỏ chai bán. Tuy ít ỏi nhưng được tiền tươi cầm tay. Những vỏ chai bia bằng nhựa, vỏ chai đựng rượu thủy tinh người ta uống xong vứt vào sọt rác công cộng. Anh tới nhặt, gánh bớt phần việc cho công nhân vệ sinh môi trường. Trước anh đóng nắp chai pha rượu cho người ta uống. Nay thì thu dọn những thứ họ uống xong. Kể cũng tròn một vòng quy trình.

Cái tường thành vẫn đó. Vẫn có những đoàn nghiên cứu về săm soi. Russi chưa chịu từ bỏ việc đếm chỉ vì chưa đếm hết. Ngày nọ anh đã đếm tới viên gạch cuối cùng. Kết quả chỉ là một con số dài. Không có ý nghĩa về chất lượng gạch, càng không có ý nghĩa gì cho lịch sử. Chỉ có một kết luận được đưa ra: lượng gạch trên tường là số chẵn. Số chẵn thì đã sao. Số chẵn là âm. Nhớ cái lần Nada về thăm ngôi làng cố xứ và trao đổi chuyện trò với bà con. Cô cũng nhắc đi nhắc lại hai con số. Trước khi tan rã Liên bang Xô Viết có mười lăm nước. Chia tách rồi thì chỉ còn mười hai nước tự trị. Đó cũng chỉ là những thông số vô hồn. Nhưng Russi lại nghĩ khác. Từ mười lăm trở thành mười hai. Số lẻ chuyển sang chẵn. Dương chuyển thành âm. Âm là dưới đất. Âm là chết. Chẳng thể sống lại được. Sao không chia tách thành mười một, hay mười ba mà là mười hai. Không tìm ra được lý lẽ nào khoa học, khi con người tuyệt vọng về đời sống thường tìm đến tâm linh mù quáng. Sự mê tín tưởng chỉ có ở người phương Đông, nào ngờ ở đây cũng có, nó nằm trong suy nghĩ của những người nghèo khổ bi quan tận cùng xã hội. Một học giả từ xưa đã đưa ra lý thuyết rằng đến khi nào con người có sự công bằng, con người thoát khỏi nghèo khó đau khổ thì tôn giáo thánh thần mới triệt tiêu. Mà tôn giáo thánh thần đến giờ vẫn chưa mất đi, khéo lại mạnh hơn nữa ấy chứ.

Một đêm khuya, Russi lén lút gỡ một viên gạch trên bức tường thành. Viên gạch cuối cùng mà tay anh lần đếm. Tường thành bây giờ coi như được sắp bởi một số lẻ viên gạch. Số lẻ thì sao. Nó vẫn chỉ là một bước tường. Vẫn có những đoàn khảo sát về đây nghiên cứu. Không ai để ý đến chuyện mất một viên gạch. Tường gạch lẻ. Là dương. Không cứ dương thì sống lại được. Không cứ dương thì hàn gắn lại được những mất mát của đời anh. Họa chăng nó chỉ hủy hoại thêm tinh thần của Russi, như anh đã phá hoại cái tường thành này.

 *

Ba năm tôi quen biết Russi, chưa bao giờ ông ngỏ ý mời tôi đến nhà chơi. Người xứ này không có thói quen mời mọc thăm viếng nhau. Nhưng chí ít ông cũng phải cho tôi biết cái chỗ ông ở chứ. Tịnh không. Mùa hè thường thấy ông trải một tấm vải mà ngủ qua đêm dưới bụi cây bờ sông.

Trước khi về nước tôi xin ông địa chỉ nhà ở. Để thỉnh thoảng tôi viết thư chụp ảnh Việt Nam gửi cho ông xem. Russi xé cái mác dán vỏ bia, lật ngược ra mà viết ngúng ngoắng lên đó rồi đưa cho tôi. Đêm cuối cùng tôi gặp và tạm biệt ông. Ông vẫn mùi rượu nồng nặc và đòi ba điếu thuốc.

Tôi hỏi một số bạn bè đang ở xứ tuyết xem có gặp ông không. Nếu gặp cho tôi gửi lời thăm hỏi rằng tôi đã về Việt Nam nhưng chưa quên được ông. Bạn bè trả lời không hề thấy, mùa hè cái bụi cây bờ sông chẳng có ai nằm ngủ ở đấy nữa. Tôi thất vọng khi không có được thông tin gì về ông. Như thế có khi lại hay, để tôi biết thủ đô ấy không còn một người nghèo nào cả. Nghèo vì đổ vỡ tinh thần như ông chắc là kẻ nghèo nhất rồi.

Tôi vẫn còn giữ tờ giấy địa chỉ Russi. Thỉnh thoảng mở ra xem. Ông chỉ viết hai câu trong bài hát nổi tiếng phát thanh truyền hình đã thôi phát. “Địa chỉ của chúng tôi không là nhà và không là đường. Địa chỉ của chúng tôi – Liên bang Xô Viết”.