Thu hẹp khoảng cách giới

- Thứ Bảy, 25/05/2019, 08:18 - Chia sẻ
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước đều đặt ra việc nghỉ hưu theo hướng tăng dần. Lý do của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu này là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; đồng thời, chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai; bảo đảm bình đẳng giới trong tuổi nghỉ hưu…

Giảm cách biệt tuổi nghỉ hưu

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra đề xuất điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu với nam là 62 tuổi và nữ là 60 tuổi. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà, việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này là cơ hội để xem xét, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách thúc đẩy bình đẳng giới cho phù hợp với tình hình mới hiện nay. Đặc biệt là thay đổi cách tiếp cận “bảo vệ lao động nữ” của các quy định hiện hành sang cách tiếp cận “thúc đẩy bình đẳng giới”.

“Hiện nay, chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 năm, do đó chúng tôi muốn giảm bớt sự chênh lệch này. Tuổi nghỉ hưu của nam tăng từ 60 lên 62 thì lộ trình tăng sẽ chậm hơn, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 lên 60 cần nhiều thời gian nên lộ trình tăng sẽ nhanh hơn. Thực tế, Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ cũng đưa ra khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ dần thu hẹp lại tiến tới bằng nhau” - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn cho biết.


Năm 2018, lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân là 54 tuổi

Đồng tình với ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu hướng tới bình đẳng giới, Chủ tịch mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ thúc đẩy quyền năng phụ nữ Hà Thu Thanh chia sẻ, 3 năm gần đây, doanh nghiệp của bà đã đưa ra quy định chấm điểm về báo cáo phát triển bền vững, trong đó bình đẳng giới là một tiêu chí quan trọng. Bình đẳng giới mà doanh nghiệp hướng đến rất đơn giản. Đó là bình đẳng trong cơ hội việc làm, học tập, thăng tiến, phát triển. Cái gốc của bình đẳng giới đó là tuổi lao động nam và nữ bằng nhau.

“Khi phụ nữ có cơ hội được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến nhiều hơn, sức khỏe được cải thiện và tuổi thọ tăng sẽ có cơ hội làm việc tại doanh nghiệp nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa, họ có cơ hội bằng nhau về cống hiến, phát triển, thăng tiến… Bình đẳng giới trong tuổi làm việc và cơ hội thăng tiến sẽ giúp người lao động phát triển, từ đó tạo ra giá trị cho doanh nghiệp cũng như giữ được người lao động giỏi” - bà Hà Thu Thanh khẳng định.

Vì sao lại chênh lệch?

 Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam Điều Bá Được cho biết, theo thống kê, tuổi nghỉ hưu bình quân của người lao động nói chung năm 2017 là 55 tuổi, năm 2018 là 56 tuổi. Trong đó, riêng lao động nam tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 56 tuổi, năm 2018 là 58 tuổi; lao động nữ có tuổi nghỉ hưu bình quân của năm 2017 là 53 tuổi, năm 2018 là 54 tuổi.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết, dự kiến sẽ có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từ 3 - 6 tháng, vì chênh lệch tuổi nghỉ hưu của nam và nữ hiện đang là 5 năm, nên việc nâng tuổi hưu của nữ cao hơn để thu dần khoảng cách này nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo lộ trình để bảo đảm không gây sốc nhất là khi vấn đề này có liên quan đến hệ thống pháp luật khác, BHXH, tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ… Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để bố trí cho hoạt động sản xuất kinh doanh và người lao động lựa công việc phù hợp.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nam và nữ được quyền làm việc như nhau, không nên có sự chênh lệch tuổi lao động giữa nam và nữ. Hiện vẫn thiếu cơ sở khoa học để xác định tuổi nghỉ hưu phù hợp của lao động nữ là 60 tuổi và nam là 62 tuổi. Đặc biệt là khi tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới 3 tuổi.

Theo đại diện Ban soạn thảo, quy định cách biệt về tuổi nghỉ hưu đã có từ những năm 1960 với lý do phụ nữ phải mang thai, nuôi con nhỏ, chăm sóc gia đình… nên pháp luật ưu tiên phụ nữ về hưu sớm hơn. Bên cạnh đó, tuổi nghỉ hưu của các nước trên thế giới phổ biến là trên 60 đối với nữ, trên 62 đối với nam. Số liệu thống kê của Tổ chức ILO về quy định tuổi nghỉ hưu của 176 quốc gia cho thấy, tuổi nghỉ hưu của nữ phổ biến từ 60 - 62 chiếm 37,5%; tuổi nghỉ hưu của nam phổ biến từ 60 - 62 chiếm 47,2%. Hơn nữa, nước ta đang từng bước có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu bằng nhau giữa nam và nữ, có thể sau khi điều chỉnh tăng lên nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi thì 10 năm sau tiếp tục tăng tuổi cả hai lên 63 tuổi, rồi lên 65 tuổi. Khi đất nước phát triển tốt, thể chất con người tốt hơn thì có thể đáp ứng việc tăng tuổi nghỉ hưu ngang bằng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, có thể phải bằng nhau mới là bình đẳng, có thể thấp hơn cũng là bình đẳng. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố về tâm lý, sức khỏe con người, sự phát triển, nhận thức của xã hội. Do đó, vấn đề quan trọng là phải tạo cơ hội cho phụ nữ có quyền lựa chọn.

Thảo Mộc