Thu hẹp khoảng cách giới

- Thứ Ba, 15/10/2019, 07:54 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách đối với lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) là phù hợp với thực tiễn của quốc gia và xu thế toàn cầu.

Bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ

Tại Hội thảo tham vấn về Chính sách đối với lao động nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, về cơ bản Bộ luật Lao động 2012 đã bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới. Bộ luật Lao động 2012 đã dành hẳn một chương đưa ra những quy định riêng đối với lao động nữ. Những quy định này đã bảo đảm quyền lợi và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động.


Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ Nguồn: ITN

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế, xã hội, vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập khu vực và quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc thực hiện các quy định liên quan đến lao động nữ và bình đẳng giới của Bộ luật Lao động 2012 đã bộc lộ một số vấn đề hoặc trở nên không còn phù hợp.

Đánh giá về tính bình đẳng trong việc điều chỉnh tuổi hưu trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho rằng, về cơ bản, việc tăng tuổi hưu là điều tất yếu và có lợi đối với lao động nữ. Theo báo cáo an sinh xã hội thế giới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), giai đoạn 2017 - 2019, số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ bằng nhau ngày càng tăng, chiếm 68,4%, những nước có mức chênh lệnh tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ như Việt Nam ngày càng giảm.

Về khoảng cách giới về lương hưu năm 2017, với thời gian tham gia BHXH từ 28 năm đến 28 năm 11 tháng trở xuống, mức lương hưu của nữ cao hơn nam. “Song, tổng cộng lương hưu bình quân tất cả năm đóng BHXH nữ luôn chỉ bằng khoảng 84% của nam giới. Với bài học kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chậm thì đối tượng bị ảnh hưởng bất lợi nhất là phụ nữ” - ông Giang cho hay.

Bình đẳng trong lựa chọn việc làm

Dự báo về tình hình thị trường lao động tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm số người tham gia thị trường lao động là 1,2 triệu người, nhưng đến năm 2020 chỉ còn 800.000 người. Tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già sẽ giảm từ 6,6 xuống còn 2,1 trong vòng 40 năm tới. Điều đó có nghĩa là vào năm 2015, có 6 người bước vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động, nhưng đến năm 2055, cứ 2 người tham gia vào thị trường lao động thì có 1 người rời khỏi thị trường lao động.

“Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần chủ động ứng phó với vấn đề thiếu hụt lao động trong tương lai không xa; tăng cơ hội việc làm và thăng tiến của phụ nữ, giúp cho nữ giới bình đẳng hơn trong lựa chọn việc làm; nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội; góp phần bảo đảm tính bền vững về mặt xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: đóng góp tăng trưởng hàng năm khoảng 0,218%” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ BHXH Phạm Trường Giang cũng cho biết, đối với một số công việc có tính chất đặc thù, khi hết tuổi nghề làm công việc đặc thù người lao động sẽ được đào tạo để chuyển đổi sang nghề nghiệp khác phù hợp; trường hợp không chuyển đổi nghề nghiệp được thì có quyền nghỉ hưu sớm. Theo đó, Chính phủ sẽ nghiên cứu các chính sách hướng dẫn đối với từng đối tượng cụ thể. Đơn cử, đối với công nhân nữ là người trực tiếp sản xuất, hiện nay có những lo ngại khi lớn tuổi năng suất lao động không cao, doanh nghiệp không muốn sử dụng, mà thay vào đó là sử dụng lao động trẻ.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Giang, chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ không chỉ hỗ trợ người lao động khi bị thất nghiệp, mà phải hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, tránh sa thải lao động. Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có hỗ trợ tài chính để sắp xếp, bố trí lại lao động, tiếp tục sử dụng lao động trung niên và cao tuổi như hỗ trợ một phần tiền lương hoặc đóng BHXH cho những lao động này, để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền và lợi ích của lao động nữ khi tham gia thị trường lao động, các quy định trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng tiến tới thu hẹp và xóa bỏ khoảng cách giới trong quy định tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ; người lao động bình đẳng về quyền nghỉ hưởng trợ cấp BHXH khi thực hiện biện pháp tránh thai, khám thai, sinh con, nuôi con dưới 6 tháng tuổi, chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau phù hợp với pháp luật BHXH; người lao động có quyền tự quyết định lựa chọn làm các công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con nhỏ trên cơ sở được thông tin đầy đủ về các công việc đó và điều kiện bảo hộ lao động.

Vân Phi