Nam Định

Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp

- Thứ Năm, 13/02/2020, 07:22 - Chia sẻ
Trong điều kiện thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, thì việc đổi mới phương thức chăn nuôi và tổ chức liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ là một trong những giải pháp mà ngành nông nghiệp, người chăn nuôi tỉnh Nam Định đang hướng tới. Để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển chăn nuôi bền vững, tỉnh đã chú trọng hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Theo UBND tỉnh Nam Ðịnh, Chính phủ đã ban hành tương đối đầy đủ các cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… Tỉnh cũng đã chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chuyển đổi mô hình hợp tác xã cũ thành hợp tác xã chuyên ngành, hướng các hộ trang trại từng bước phát triển thành doanh nghiệp nông nghiệp nông thôn, nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, với những chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, cùng với sự quan tâm của các ngành, đơn vị liên quan, Nam Định đã thu hút được 107 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực chăn nuôi tăng 64 doanh nghiệp, với tổng vốn sản xuất, kinh doanh là 5.500 tỷ đồng, tăng 149% về số doanh nghiệp và 51,2% về vốn sản xuất, kinh doanh so với năm 2014. Doanh thu bình quân một doanh nghiệp đạt 8,5 tỷ đồng/năm. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 641 trang trại, trong đó có 267 trang trại chăn nuôi, 9 trang trại đã được cấp chứng nhận quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP). Các trang trại ngày càng tăng về quy mô, tích cực đầu tư máy móc và ứng dụng khoa học công nghệ để tổ chức sản xuất có hiệu quả đồng thời kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hai hình thức liên kết trong chăn nuôi, đó là liên kết dọc theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng và liên kết ngang giữa các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Việc liên kết và tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi giá trị là phương thức sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, là xu thế phát triển tất yếu để bảo đảm hiệu quả trong điều kiện hiện nay.


Hợp tác xã chăn nuôi Yên Lợi nuôi lợn theo quy trình sạch, khép kín

Người dân hưởng lợi nhờ mô hình liên kết

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, mô hình liên kết ngang trong chăn nuôi được hình thành khi người sản xuất và đơn vị kinh doanh là các hợp tác xã, tổ hợp tác… liên kết lại nhằm hỗ trợ nhau đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong mô hình này, các đơn vị kinh doanh cung cấp các dịch vụ sản xuất đầu vào và đầu ra cho các hộ xã viên như vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, đồng thời đóng vai trò là “cầu nối” giữa bà con xã viên với các doanh nghiệp giết mổ, chế biến, xuất khẩu.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã chăn nuôi xã Yên Lợi, huyện Ý Yên Nguyễn Việt Hùng cho biết, các bên thường xuyên giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi cách thức sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y và thực hành chăn nuôi theo quy trình nuôi sạch. Theo đó, các công đoạn sản xuất từ phối trộn thức ăn bảo đảm đầy đủ nguồn dinh dưỡng đến quá trình chăm sóc và xử lý môi trường chuồng trại đều phải được thực hiện khép kín; không thải ra môi trường các loại chất thải, nước thải, phế phẩm chăn nuôi. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất của hợp tác xã hơn hẳn so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây, chăn nuôi của các hộ thành viên luôn bảo đảm an toàn trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.

Theo mô hình liên kết dọc, doanh nghiệp đóng vai trò là nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, bảo đảm thị trường tiêu thụ, còn người chăn nuôi nhận khoán theo định mức chi phí, được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư xây dựng cơ bản và sản xuất trên đất đai của họ. Theo đó, doanh nghiệp cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu toàn bộ sản phẩm; người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu kỹ thuật của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận tiền công theo hợp đồng ký kết. Việc phát triển chăn nuôi theo hình thức này, hầu hết các chủ trang trại đều có lãi do không phải lo đầu ra cho sản phẩm và giá bán luôn ổn định.

Trong đó phải kể tới Công ty TNHH Thuận Thành (TP Nam Định) đã liên kết với các trang trại tại 2 xã Xuân Thượng, Xuân Ngọc (Xuân Trường) phát triển chăn nuôi lợn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm an toàn và truy xuất nguồn gốc. Công ty hỗ trợ các trang trại một phần tiền mua con giống, thức ăn chăn nuôi; cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với chủ trang trại thực hiện các biện pháp kỹ thuật, chủ động tiêm phòng, xử lý môi trường chuồng nuôi... Trang trại của ông Nguyễn Văn Toán ở xã Xuân Thượng là một trong những trang trại chăn nuôi đầu tiên tham gia liên kết với Công ty TNHH Thuận Thành. Ông Toán cho biết, được Công ty hỗ trợ, ông đã đầu tư nuôi trên 1.000 đầu lợn/lứa, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAHP). Toàn bộ nguồn lợn giống, thức ăn đều được ông nhập của các doanh nghiệp có uy tín nên dễ dàng kiểm soát chất lượng. Do đó, đàn lợn nuôi luôn an toàn, lớn nhanh, lợn thịt được Công ty thu mua với giá bán theo hợp đồng...

Phan Phương