Sổ tay

Thu hút và sử dụng nhân tài

- Thứ Hai, 17/06/2019, 07:50 - Chia sẻ
Chính sách thu hút nhân tài đã được triển khai thời gian qua, có địa phương dù “trải thảm” để đón nhân tài, nhưng không ít trường hợp sau một thời gian làm việc vẫn “dứt áo ra đi”. Từ thực tế này, khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, để thu hút được người tài đúng nghĩa, trong dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm thế nào là nhân tài.

Để tạo điều kiện thu hút nhân tài, dự thảo Luật đã quy định về chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Theo đó, điều 6 dự thảo Luật quy định: Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Căn cứ vào quy định của Chính phủ, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức quy định chế độ sử dụng, đãi ngộ người có tài năng áp dụng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

Theo ĐBQH Đào Tú Hoa (Hà Nội), hiện nay, quan điểm người có tài năng rất khác nhau. Có ý kiến cho rằng người có tài năng phải hội tụ cả về phẩm chất chính trị về năng lực, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chỉ cần có trí tuệ ở một lĩnh vực nào đó. Vì vậy, rất cần thiết làm rõ khái niệm thế nào là “người có tài năng” trong dự thảo Luật. ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) thì chỉ ra thực tế, chính sách thu hút người có tài năng là câu chuyện “đã bàn mãi rồi” và có vẻ như không triển khai được. Theo đại biểu, điều quan trọng là phải xác định rõ được thế nào là người có tài năng, sau đó mới đi đến chính sách thu hút, sử dụng như thế nào. Nếu Luật này không quy định được thì giao Chính phủ quy định cụ thể, đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị.

ĐBQH Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) đề nghị, nên đưa khái niệm “người có tài năng” vào dự thảo Luật. Nếu không quy định rõ trong Luật, đại biểu lo ngại “tài năng phải chờ nghị định của Chính phủ” hướng dẫn thì “không biết đến bao giờ” mới thực hiện được hiệu quả.

Đối xử với nhân tài thế nào cũng là câu hỏi ĐB Hoàng Bình Quân đặt ra khi thảo luận tại tổ về dự thảo Luật này. Thời gian qua, chúng ta cứ ta cứ loay hoay giữa thế nào là nhân tài, thế nào là thiên tài, thế nào là người có tài năng, giữa năng khiếu và nhân tài là thế nào; quy trình để phát hiện, nuôi dưỡng, trọng dụng nhân tài có quá nhiều vấn đề.

Để thu hút được người tài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140/NĐ-CP ngày 5.12.2017 về chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tuy nhiên, theo đánh giá, việc thực hiện dường như mới chỉ quan tâm đến ưu tiên tuyển dụng đầu vào mà chưa chú trọng cơ chế, môi trường làm việc độc lập, cạnh tranh, để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường của mình.

Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị trong tuyển dụng, sử dụng người tài, dự thảo Luật đã có quy định giao cho Chính phủ quy định khung cơ chế chính sách, giao quyền chủ động cho các đơn vị quản lý có thể tự mình đưa ra chính sách thu hút, đãi ngộ phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, trong dự thảo Luật cần quy định một số nguyên tắc chung về thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đồng tình với nguyên tắc phải có chính sách để bảo đảm người tài được trọng dụng, nhiều đại biểu đặt vấn đề, nếu người tài được thu hút vào vị trí đó nhưng không phát huy được tài năng hoặc tự rời bỏ vị trí, sẽ xử lý như thế nào? Phải có cơ chế để chọn được người tài thật chứ không phải là nơi để người ta lấy chỗ “dừng chân”, xong rồi chuyển vị trí khác.

Chính sách thu hút nhân tài là cần thiết song chưa đủ. Với người tài, điều quan trọng là có cơ chế, môi trường làm việc để họ thực sự phát huy năng lực, sở trường cũng như tạo động lực để họ cống hiến. Đây là những vấn đề cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu để có quy định phù hợp, tránh tình trạng thu hút người tài bằng được, còn việc sử dụng và tạo môi trường làm việc cho họ ra sao lại bị “buông”.

Song Hà