Cơ chế luận tội người đứng đầu hành pháp ở Mỹ

Thủ tục luận tội diễn ra như thế nào?

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 09:43 - Chia sẻ
Việc Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra luận tội nhằm vào Tổng thống Donald Trump đã mở ra một thủ tục pháp lý phức tạp và hứa hẹn nhiều căng thẳng trên chính trường. Quá trình này sẽ diễn ra như thế nào?

Sau nhiều tháng chịu áp lực từ một bộ phận đáng kể các thành viên Dân chủ tham dự những cuộc họp kín bàn về việc “bật đèn xanh” cho thủ tục luận tội, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cuối cùng đã quyết định hành động vào tối 24.9, sau khi có tới hơn 30 nghị sĩ Dân chủ đồng loạt kêu gọi mở một cuộc điều tra luận tội tổng thống.

Diễn biến trên xảy ra sau khi Quốc hội Mỹ biết về một báo cáo tố giác được đệ trình bởi một thành viên của cộng đồng tình báo xoay quanh một hoặc nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Ukraine, Volodymyr Zelensky. Nội dung các cuộc đàm thoại được cho là có liên quan đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đối thủ tiềm tàng của ông Trump trong cuộc chạy đua tái tranh cử tổng thống năm 2020.

Phe Dân chủ cho rằng ông Trump đã trì hoãn 400 triệu USD viện trợ quân sự và sử dụng số tiền này để gây áp lực buộc Ukraine mở cuộc điều tra về ông Joe Biden và con trai là Hunter Biden hòng tạo lợi thế trong cuộc đua tái tranh cử tổng thống năm tới.

Năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông Joe Biden đã nỗ lực hết mình trong nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Song ở thời điểm đó, cũng xuất hiện nhiều nghi ngại khi công ty khí đốt Ukraine Burisma tuyển dụng con trai ông Biden là Hunter Biden.

Ngay trong ngày 24.9, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc trên và gọi hành động của phe Dân chủ là một “cuộc săn phù thủy”.

Những luận điểm luận tội

Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho rằng Tổng thống Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và “vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp Mỹ” vì tìm cách tranh thủ một quyền lực nước ngoài nhằm giành lợi thế chính trị. Cụ thể, ông Trump có thể đối mặt với cuộc luận tội về một loạt cáo buộc hành vi sai trái bao gồm: trục lợi cá nhân từ vai trò tổng thống, vi phạm luật tài chính trong chiến dịch tranh cử, điều chuyển ngân sách không thích hợp để xây dựng bức tường biên giới hoặc sử dụng quyền lực ân xá để “bật đèn xanh” cho vi phạm luật pháp (ông Trump được cho đã nói với quan chức dưới quyền rằng ông sẽ ân xá cho họ nếu họ phải vi phạm luật pháp để xây dựng bức tường biên giới trước mùa bầu cử tổng thống).

Tuy nhiên, một số nhà bình luận đã cảnh báo rằng phe Dân chủ nên tập trung vào một nhóm hẹp các cáo buộc phạm tội nhằm tránh đặt ra một tiền lệ có thể mở rộng một cách cực đoan phạm vi cho các cuộc điều tra luận tội trong tương lai.

Theo tờ Guardian, các biên tập viên của trang Lawfare đã đề xuất 5 điều cáo buộc với Tổng thống là: cản trở công lý và lạm dụng các tổ chức và nhân viên thực thi pháp luật; truy tố các đối thủ chính trị; lạm dụng cơ quan chính sách đối ngoại; nỗ lực cản trở hoặc cản trở các cuộc điều tra của quốc hội; và nói dối công chúng Mỹ.

Hạ viện luận tội

Sáu Ủy ban Hạ viện vốn đang điều tra các hành vi bị cáo buộc là phạm tội của Tổng thống Trump sẽ tiếp tục công việc này. Các ủy ban này bao gồm: Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Tình báo, Ủy ban Phương tiện và Cách thức, Ủy ban Tài chính, Ủy ban Giám sát và Ủy ban Đối ngoại.

Sau khi điều tra, các ủy ban này sẽ gửi kết quả lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện. Ủy ban Tư pháp khi đó sẽ tiến hành bỏ phiếu để quyết định có đưa các cáo buộc này ra thảo luận trước toàn thể Hạ viện hay không. Theo luật, chỉ cần một tỷ lệ đa số tối thiểu (50%) số phiếu ủng hộ để thông qua bước thủ tục này.

Bước tiếp theo, một phiên họp toàn thể của Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về một hoặc nhiều cáo buộc luận tội tổng thống. Nếu kết quả đa số phiếu ủng hộ cáo buộc nhằm vào tổng thống, khi đó, ông Trump sẽ chính thức bị luận tội tại Hạ viện và chuyển lên Thượng viện xét xử.

Thượng viện xét xử

Sau khi Hạ viện đệ trình nghị quyết luận tội Tổng thống Trump, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành một phiên xét xử. Đây là quy định bắt buộc ghi trong Hiến pháp. Phiên xét xử này sẽ do Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts chủ trì. Thượng viện sẽ phải đưa ra phán quyết bằng một nghị quyết, cho dù kết luận là trắng án hay bị phế truất.

Nếu Thượng viện Mỹ tiếp tục phê chuẩn các cáo buộc luận tội do Hạ viện trình lên với 2/3 số phiếu ủng hộ (67 phiếu), Tổng thống Trump sẽ bị phế truất và kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn.

Tuy nhiên, kịch bản này hiện khá mờ mịt vì Đảng Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ (với tỷ lệ 53 ghế so với 45 ghế của phe Dân chủ). Hiện Thượng viện Mỹ có hai Thượng nghị sĩ độc lập nhưng ủng hộ Dân chủ. Song khi đó, đảng Dân chủ cũng cần tới sự quay lưng của ít nhất 20 Thượng nghị sĩ Cộng hòa nữa thì mới có đủ 67 phiếu để luận tội Tổng thống Trump.

Theo giới quan sát tại Washington D.C, gần như chắc chắn nghị quyết luận tội Tổng thống Trump sẽ bị phủ quyết tại Thượng viện nếu như nó được Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát thông qua và trình lên.

Quốc Đạt