Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam

- Thứ Bảy, 16/11/2019, 15:12 - Chia sẻ
Ngày 16.11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Diễn đàn Quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề: "Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".

Cùng dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; và hơn 1.500 đại biểu là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), chuyên gia, doanh nghiệp, tập đoàn lớn sử dụng nhiều nhân lực.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan Triển lãm Kỹ năng nghề tại hành lang Diễn đàn.

Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động GDNN và cũng là diễn đàn đầu tiên được tổ chức dưới sự tham dự, chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Diễn đàn nhằm tập hợp ý kiến, trao đổi thẳng thắn của các đại biểu đại diện cho các cơ quan Nhà nước; các chuyên gia, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế nhằm đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng; đồng thời, nhận diện chính xác khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Diễn đàn mang thông điệp "Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng GDNN, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam". Đến nay, trong hệ thống GDNN Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi Tay nghề Thế giới năm 2019 tại Diễn đàn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, tại CHLB Đức, sinh viên được đào tạo theo mô hình đào tạo nghề kép; có 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết việc. Đây là yếu tố trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động, là sự thay đổi tư duy rất lớn. Nhiều quốc gia phải mất vài chục năm theo đuổi để đạt mục tiêu này. Dẫn một nghiên cứu gần đây, ông Đào Ngọc Dung cho biết trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong kết nối doanh nghiệp và nhà trường

Phát biểu sau 3 phiên làm việc liên tục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mặc dù chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam tăng 13 bậc so với 141 quốc gia trên thế giới mà Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 đã nêu; song phải thẳng thắn rằng, lực lượng lao động đã qua đào tạo của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore… điều đó làm ảnh hưởng tới năng suất lao động của quốc gia. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động còn bất hợp lý; mạng lưới trường nghề đông nhưng số trường đạt chuẩn quốc tế còn thấp, chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp…

Thủ tướng yêu cầu, tới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ một cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp, Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm; từ đó, gắn kết nội dung và chất lượng đào tạo, giúp nhà trường, doanh nghiệp định hướng được những dự báo về thị trường lao động. Muốn làm được điều này, cả hệ thống chính trị, nhất là các bộ, ngành, địa phương, nhà trường, doanh nghiệp phải cùng vào cuộc.


Thực hiện nghi thức kết nối Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp tại Diễn đàn
Thái Bình