Thừa Thiên Huế hướng tới “thành phố di sản quốc gia”

- Thứ Hai, 28/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Định hướng phát triển của Thừa Thiên Huế trong tương lai là trở thành “thành phố di sản quốc gia”. Tại Hội thảo “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa qua, Ủ y viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, tỉnh cần làm rõ khái niệm “thành phố di sản quốc gia”, và xây dựng bộ tiêu chí về thành phố di sản, bởi đây là việc chưa có tiền lệ.

Phát triển toàn diện

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho biết, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó du lịch trở thành ngành mũi nhọn và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh, kinh tế biển và đầm phá đang dần trở thành động lực phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 tăng 1,91 lần so với năm 2009. Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo, đến nay, cơ bản đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp; trở thành trung tâm đặc sắc của cả nước về văn hóa và du lịch. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được nâng lên…

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển của Thừa Thiên Huế đến năm 2030 trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra, Thừa Thiên Huế đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ một số cơ chế đặc thù cho tỉnh. TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, cần có chính sách đặc thù để giúp Thừa Thiên Huế bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch với các địa phương. Theo chuyên gia này, trụ cột lớn của Thừa Thiên Huế là ngành du lịch, do đó, cần quy hoạch lại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là trung tâm cảng du lịch quốc tế, là điểm cần tính đến trong mối quan hệ vùng để phù hợp với chuỗi liên kết vùng ở miền Trung.


Nguồn: ITN

Giải quyết quan hệ giữa phát triển với bảo tồn di sản

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng cho rằng, Thừa Thiên Huế có đủ tiềm năng trở thành trung tâm du lịch lớn, quan trọng của cả nước, có vai trò làm đối trọng của Đà Nẵng tại duyên hải miền Trung để góp phần tạo nên một khu vực du lịch có sức cạnh tranh cao. Sự phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế, đặc biệt là TP Huế, có mối quan hệ hết sức mật thiết với chính sách phát triển đô thị. Vấn đề này, theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, cần được làm rõ và có nhận thức, quan điểm đúng đắn để bảo đảm sự phát triển bền vững và tính hấp dẫn lâu dài của điểm đến. Ông cũng nhấn mạnh phải tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa Thừa Thiên Huế với các địa phương trong vùng, các vùng khác trên cả nước, và với các nước trong khu vực trên tuyến hành lang Đông - Tây; trong đó đặc biệt chú trọng liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch, xúc tiến thu hút đầu tư du lịch, quản lý điểm đến và liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để thúc đẩy phát triển du lịch thông minh, du lịch sáng tạo.

Về hướng phát triển thời gian tới, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, Thừa Thiên Huế cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Là một trong những cố đô với rất nhiều các giá trị văn hóa trong đó có các di sản văn hóa thế giới được quốc tế và UNESCO công nhận, Thừa Thiên Huế phải phát triển bền vững trên nền tảng văn hóa, xây dựng và phát triển trở thành thành phố di sản trực thuộc Trung ương theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, với du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, tỉnh mong muốn Bộ Chính trị ra một Nghị quyết về phát triển Thừa Thiên Huế trở thành “Thành phố di sản quốc gia”, đi kèm với đó là hệ thống các giải pháp và cơ chế chính sách để tỉnh có điều kiện huy động nguồn lực thực hiện các mục tiêu đề ra. Ý nghĩa của nghị quyết mới này đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn. Nghị quyết mới cần có chủ trương xây dựng bộ tiêu chí thành phố di sản; có sự hỗ trợ của Trung ương cả về nguồn lực và cơ chế chính sách trong việc đầu tư bảo vệ di sản của Thừa Thiên Huế, góp phần cho sự phát triển bền vững của tỉnh thời gian tới. Vì vậy cần phải làm rõ khái niệm “Thành phố di sản quốc gia”, bởi  xây dựng thành phố di sản là chưa có tiền lệ, và nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chí “Thành phố di sản” để phấn đấu đạt được, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Minh Hương