Phát triển giao thông công cộng ở Hà Nội

Thuận tiện, kết nối thông minh

- Thứ Hai, 15/07/2019, 08:15 - Chia sẻ
Để giải bài toán ùn tắc giao thông ở Hà Nội, một trong những việc cấp bách cần phải làm là nhanh chóng phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Theo đó, hạ tầng giao thông công cộng phải làm một cách bài bản, quy hoạch rõ ràng, không manh mún, chắp vá, kết nối thông minh và thuận tiện để thu hút, hấp dẫn người dân tham gia sử dụng.

12% người dân lựa chọn xe buýt

 Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, giao thông công cộng cũng phát triển theo. Tuy nhiên, sự phát triển giao thông công cộng hiện nay ở Hà Nội chưa đạt được như kỳ vọng.

Dẫn chứng về việc này, ông Hải cho biết: Hiện nay tỷ lệ người dân Hà Nội lựa chọn phương tiện giao thông công cộng không cao. Minh chứng là, hiện Hà Nội có 4 loại hình vận tải công cộng là xe buýt, taxi, buýt nhanh BRT và đường sắt trên cao (sẽ vận hành thương mại vào quý III.2019), nhưng hiện nay số người dân lựa chọn đi xe buýt mới chiếm tỷ lệ hơn 12%, taxi 15%, xe đạp 2%, xe máy trên 60%. So với nhiều nước khu vực, nhất là với những nước phát triển như Nhật Bản, tỷ lệ người dân đi xe buýt ở Hà Nội như vậy là rất thấp.

Một trong những nguyên nhân khiến phương tiện giao thông công cộng, điển hình là xe buýt chưa hấp dẫn và được người dân “lựa chọn” là do giao thông công cộng ở Hà Nội đang đứng trước nhiều thách thức như hạ tầng chưa bảo đảm; ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. (Cụ thể, hiện toàn TP Hà Nội có tới 33 điểm ùn tắc giao thông. Việc ùn tắc này khiến mỗi năm có 180.000 lượt buýt bỏ tuyến, buộc đi sai lộ trình). Điều này ảnh hưởng xấu đến tính hấp dẫn của xe buýt. Đó là chưa kể đến việc xe buýt còn phải cạnh tranh quyết liệt với các loại hình xe công nghệ mới như Grab, Uber…

Một nguyên nhân khác, khiến phương tiện giao thông công cộng chưa phải là lựa chọn số một là do cách thức tổ chức giao thông cũng như chất lượng các loại hình phương tiện cũng còn ít, chưa thực sự kết nối và tiện lợi cho người sử dụng. Dẫn chứng việc này, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật cho rằng: những năm qua, các phương tiện công cộng ở Hà Nội phát triển, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân, song thực tế giao thông đô thị của Hà Nội hiện nay rất yếu và thiếu các loại hình giao thông công cộng. Bằng chứng là hiện nay trong các loại hình phương tiện giao thông công cộng, xe buýt vẫn chiếm chủ đạo, còn các phương tiện khác như đường sắt đô thị mới đang trong quá trình xây dựng và sắp triển khai, còn các loại hình khác như xe taxi cũng hoạt chỉ mới đang phục vụ một bộ phận khách đơn lẻ do tính tiện lợi và giá thành.


Thời gian qua, TP Hà Nội rất tích cực đổi mới nâng cấp chất lượng xe và nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến buýt

Phải tiện lợi, kinh tế

Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển giao thông công cộng từ Nhật Bản,  ông Jun Matsumoto - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Michinori Holdings Nhật Bản thông tin, hiện nay thị phần giao thông công cộng tại Tokyo đã đạt 47%. Có nghĩa là gần một nửa người dân ở Tokyo sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng như tàu điện ngầm, đường sắt đô thị, xe buýt… hàng ngày. Tại Tokyo, nếu dùng ô tô để di chuyển có thể mất đến 20% thu nhập trung bình của người dân, trong khi nếu đi tàu điện ngầm hay xe buýt chỉ mất khoảng 3%. Chính vì lý do đó, người dân Tokyo lựa chọn giao thông công cộng để di chuyển.

Ông Takashi Kobayashi - Cục Chính sách tổng hợp, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho rằng, có hai vấn đề quan trọng nhất khi xây dựng hạ tầng giao thông để thúc đẩy sử dụng giao thông công cộng. Thứ nhất là điểm trung chuyển giao thông, đây sẽ là trung tâm kết nối các phương tiện giao thông công cộng với nhau. Các điểm này nằm trong quy hoạch tổng thể của thành phố. Thứ hai là nâng cao những tiện ích cho người tham gia giao thông, những công trình phụ trợ, nâng cao chất lượng của dịch vụ giao thông công cộng. Và trong những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ tiên tiến hướng đến thành phố thông minh, giao thông thông minh thì giao thông công cộng đóng vai trò trung tâm.

Phó Vụ trưởng phụ trách điều phối chính sách hợp tác quốc tế, Vụ Chính sách quốc tế (Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT)) Atsushi Suto cũng cho rằng: Ùn tắc giao thông đang là một vấn đề của Hà Nội, làm nảy sinh nguy cơ tai nạn, ô nhiễm, tiếng ồn. Với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay, nếu Hà Nội không phát triển mạnh giao thông đô thị thì tới đây sẽ còn ùn tắc trầm trọng hơn. Để giải quyết vấn đề này, khuyến khích được người dân tham gia lựa chọn sử dụng các phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn thì hạ tầng phải đáp ứng đủ nhu cầu, ngoài ra cần sự tiện lợi và kinh tế. Theo đó, Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để phát triển giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt chất lượng cao. Đồng thời, cũng cần có chính sách nhằm giảm thiểu sử dụng phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Bài và ảnh: Trần Hải